Ký ức trận lụt kinh hoàng năm 1971

ANTD.VN - Tháng 8-1971, mưa lớn liên tiếp 10 ngày cùng với hoàn lưu sau bão, mực nước sông dâng cao đã tạo ra một cơn "đại hồng thủy" ở đồng bằng Bắc bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Trận lụt kinh hoàng cách đây 46 năm cũng là lớn nhất trong vòng 3 thế kỷ trở lại đây xảy ra ở Bắc bộ, đã gây thiệt hại nặng nề - có thống kê lên tới 10 vạn người ở đồng bằng sông Hồng. 

Ký ức trận lụt kinh hoàng năm 1971 ảnh 1Đoàn tàu chở đầy đá hộc để nằm yên trấn giữ mặt cầu Long Biên

Tổn thất nặng nề

Số tổn thất về người ngày ấy vượt quá sức tưởng tượng của nhiều người. Về sau, trận lũ năm 1971 ở Việt Nam được liệt kê trong danh sách các trận lụt lớn nhất thế kỷ XX của Cơ quan Quản trị Hải dương và Khí tượng Hoa Kỳ.  Lũ lịch sử năm 1971 đứng hạng nhì sau trận lụt năm 1931 ở sông Dương Tử làm gần 3,7 triệu nguời thiệt mạng ở Trung Quốc.

Chuyên gia khí tượng thủy văn Đặng Ngọc Tĩnh nhớ lại, trận lụt năm 1971 do chịu tác động của một tổ hợp thời tiết nguy hiểm nên ở khu vực trên đã xuất hiện các trận mưa lớn, gây vỡ đê và khiến lũ trên các sông lên nhanh, nhiều khu vực đạt tới mức báo động 3. Các tài liệu khí tượng thủy văn cho thấy, từ ngày 12 đến 21-8-1971, tổ hợp thời tiết bao gồm dải hội tụ nhiệt đới, rãnh thấp nóng phía Tây, cao áp Thái Bình Dương và hoàn lưu còn sót lại của một cơn bão đổ bộ vào miền Nam Trung Quốc, gây ra mưa lớn với lượng từ to đến rất to trên toàn miền Bắc Việt Nam. 

Trong ký ức của mình, bà Ngô Thị Lịch, ở thôn Cống Thôn, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội nhớ như in: “Lúc ấy tôi không còn hồn vía nào cả, hai tay cắp hai đứa con nhỏ chạy lên mặt đê, kêu toáng lên: Vỡ, vỡ đê rồi!”. Ông Ngô Văn Tuấn cũng ở thôn Cống Thôn còn nhớ: “Lúc ấy tôi còn ít tuổi, cũng chưa mường tượng thế nào là vỡ đê trong đêm. Sáng hôm sau ngủ dậy thấy mênh mông là nước. Nước sông chảy xiết có đoạn hút vào dòng xoáy như một cái thác. Kinh khủng!”.

Vỡ đê lớn

Ngày 20-8-1971, đỉnh lũ ở Hà Nội là 14,13m, vượt mức báo động 3 là 2,63m. Mức đỉnh lũ này được duy trì trên báo động 3 trong 8 ngày. Trong thời gian từ năm 1970 đến năm 1972, hiện tượng La Nina chi phối khí hậu toàn cầu. La Nina tác động đến Việt Nam và là một nguyên nhân dẫn đến trận lụt này. Ông Nguyễn Gia Quang, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đê điều cho biết: “Khi đó đê sông Đáy chưa vỡ, chứ đê sông Đáy cũng vỡ thì nguy hiểm vô cùng cho Hà Nội”.

Trong khi kế hoạch kinh tế năm 1971 của nước ta đang bắt đầu thực hiện dưới điều kiện tương đối thuận lợi, do Mỹ đã tạm ngừng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, thì trận lụt lớn xảy ra năm 1971 đã gây hậu quả nặng nề. Tác động của trận lũ khiến 13 tỉnh, thành phố phía Bắc vỡ đê lớn. Ngày 19-8, nước lũ tràn vỡ các đê ở hạ lưu sông Lô, sông Đà và tả ngạn sông Hồng thuộc huyện Vĩnh Tường, đê bối Thanh Trì phía hữu ngạn sông Hồng. Đến ngày 20-8, vỡ đê Lâm Thao; sang ngày hôm sau thì vỡ đê Vĩnh Lại và đê Cao Xá. “Ngày 22-8, vỡ ở Cống Thôn, cả một vùng bên Gia Lâm (Hà Nội) hốt hoảng, nhốn nháo cả lên” - ông Nguyễn Gia Quang nhớ lại. Nhiều đoạn đê khác cũng đã bị vỡ với chiều dài đoạn bị hỏng là tương đối lớn. Vỡ đê đã gây ngập lụt diện rộng trên khu vực đồng bằng Bắc bộ. 

Khi đó, chỉ tính riêng 4 tỉnh Hải Hưng, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hà Tây, trận lụt đã làm 1.062 xã của 94 huyện với 2,9 triệu hộ gia đình bị ngập lụt nặng, bằng hơn 40% tổng số hộ gia đình. Lực lượng cứu trợ phải sử dụng trực thăng để thả bánh mì cứu đói cho người dân nhiều khu vực bị cô lập. “Đời sống người dân năm đó hết sức chật vật, khó khăn và vất vả!”, ông Nguyễn Gia Quang nhớ lại.

Lo cầu Long Biên bị lũ cuốn trôi

Lo sợ cây cầu Long Biên huyết mạch bị nước lũ cuốn trôi, vào thời điểm nguy cấp ngành Giao thông đã phải đưa một đoàn tàu chất nặng đá hộc lên nằm yên trấn giữ mặt cầu. Đồng thời, các tỉnh có đê bị vỡ trong trận lũ lịch sử đã huy động tổng lực tổ chức hàn khẩu lại hệ thống đê điều. 

46 năm sau trật lụt lịch sử, dòng sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội mùa nước lớn vẫn chảy cuồn cuộn, những xoáy nước to bằng cái nong quay tít, xoáy hun hút xuống tận đáy. Và ký ức kinh hoàng của trận lũ lụt năm 1971 luôn nhắc nhớ chúng ta bài học đề cao cảnh giác, phòng ngừa những hậu quả khó lường của thiên tai. Không bao giờ được chủ quan, không bao giờ được lơ là trong công tác phòng chống lụt bão, bởi lịch sử dải đất Việt hàng nghìn năm nay đã có không biết bao nhiêu đau thương, xơ xác, thiệt hại chất chồng vì thiên tai, địch họa. Thật là không kể xiết!    

Ký ức trận lụt kinh hoàng năm 1971 ảnh 2

“Khi đó đê sông Đáy chưa vỡ, chứ đê sông Đáy cũng vỡ thì nguy hiểm vô cùng cho Hà Nội”.

Ông Nguyễn Gia Quang, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đê điều