Kỳ tích y học Việt Nam: Thay xương đùi bằng xương nhân tạo in 3D

ANTD.VN - Lần đầu tiên tại Việt Nam, một bệnh viện của Hà Nội đã thực hiện kỹ thuật ghép xương nhân tạo bằng vật liệu PEEK in 3D để thay thế cho xương đùi cho bệnh nhân bị u xương ác tính…

Các kỹ sư tạo ra mô hình xương nhân tạo in 3D từ bản quét cắt lớp vi tính của bệnh nhân

Ngày 11-11, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thông tin cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này vừa mổ ghép 2 đoạn xương nhân tạo bằng vật liệu PEEK in 3D dài gần 20 cm để thay thế cho đầu trên xương đùi của 2 bệnh nhân bị u xương sụn ác tính.

Hai bệnh nhân là ông Nguyễn Văn V. (50 tuổi, Bắc Ninh) và ông Khuất Hữu T. (46 tuổi, Hà Nội). Đây cũng là 2 bệnh nhân ghép xương đùi đầu tiên ở Việt Nam được áp dụng bảo tồn chi bằng phương pháp này.

ThS.BS Phạm Trung Hiếu, Trưởng đơn nguyên Phẫu thuật khớp háng và khung chậu thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, trước đây, nếu bệnh nhân được chẩn đoán là ung thư xương thì phương pháp duy nhất là tháo bỏ khớp háng, khiến bệnh nhân chịu cảnh tàn phế đến suốt đời. 

Những năm gần đây, nhờ sự phát triển và ứng dụng của công nghệ in 3D, đặc biệt cùng sự ra đời của công nghệ sử dụng vật liệu PEEK trong tạo hình xương nhân tạo, một hướng đi mới đã được mở ra giúp điều trị triệt để những bệnh nhân có bệnh lý u xương phức tạp như trên. 

Với 2 bệnh nhân kể trên, các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn đã quyết định lấy bỏ đoạn xương kèm u và thay thế bằng xương nhân tạo kèm khớp được in 3D hoàn toàn.

Theo đó, cả hai bệnh nhân được tiến hành chụp cắt lớp vi tính vùng khớp háng và xương đùi hai bên. Sau đó, dựa vào mẫu dựng hình 3D của xương đùi và khớp háng bên lành, các kỹ sư tạo ra mẫu thiết kế 3 chiều cho đoạn xương cần thay thế vào bên bị bệnh.

Khi đã có bản thiết kế, các kỹ sư sử dụng máy in 3D tạo ra khuôn đúc ngược bằng kim loại. Khi khuôn đúc hoàn thành, vật liệu PEEK ở dạng lỏng (đã được xử lý diệt khuẩn) sẽ được đổ vào khuôn và tạo mô hình xương thực tế để sử dụng trong phẫu thuật.

Để liên kết giữa phần xương nhân tạo này và đoạn xương còn lại của bệnh nhân, các bác sĩ sử dụng khớp nhân tạo titan đặc biệt được thiết kế riêng phù hợp với cấu trúc của đoạn xương nhân tạo.  

Sau ca mổ lấy bỏ hai khối u xương (1 trường hợp có khối u xương nặng 1,6 kg và trường hợp còn lại có khối u xương nặng 2 kg), thay thế bằng xương nhân tạo in 3D, hiện cả 2 bệnh nhân đã vận động nhẹ nhàng trở lại, có thể tập đi sớm.