Kỳ I: Mất ruộng vì tàu hút cát

(ANTĐ) - Thấy chúng tôi loay hoay tìm chỗ đặt máy ghi lại cảnh sạt lở trên cánh đồng xóm Chòm cạnh sông Cà Lồ (xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), cụ Trịnh Thị Tỵ từ xa chạy lại xua tay la ơi ới: “Cẩn thận đó mấy chú, coi chừng sóng ập vào, cát sụt xuống là mấy chú chầu Diêm Vương luôn đấy”. Tôi nhìn mép nước sóng gợn lăn tăn, không khỏi hoài nghi về sự cảnh báo đầy vẻ khẩn cấp kia.

Khi ruộng thành sông

Kỳ I: Mất ruộng vì tàu hút cát

(ANTĐ) - Thấy chúng tôi loay hoay tìm chỗ đặt máy ghi lại cảnh sạt lở trên cánh đồng xóm Chòm cạnh sông Cà Lồ (xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), cụ Trịnh Thị Tỵ từ xa chạy lại xua tay la ơi ới: “Cẩn thận đó mấy chú, coi chừng sóng ập vào, cát sụt xuống là mấy chú chầu Diêm Vương luôn đấy”. Tôi nhìn mép nước sóng gợn lăn tăn, không khỏi hoài nghi về sự cảnh báo đầy vẻ khẩn cấp kia.

Người dân bức xúc phản ánh với PV Báo An ninh Thủ đô
Người dân bức xúc phản ánh với PV Báo An ninh Thủ đô

Gặm ruộng ăn dần

Khoát cánh tay một vòng chỉ khắp cánh đồng phía trước mặt, cụ Tỵ (nay đã ngoài 70 tuổi) bắt đầu kể về lai lịch của những mảnh đất tốt tươi màu mỡ của làng mình: “Cánh đồng mênh mông này có tên là Đồng Trong và Đồng Ngoài trước đây thuộc về 4 xóm: Chòm, Ngoài, Dọc Bầu và xóm Tân Do. Bao đời nay, người dân ở đây vẫn canh tác hoa màu trên mảnh đất ấy. Khu Đồng Trong và Đồng Ngoài bao gồm đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho dân theo Nghị định 64CP và cả những cánh đồng do người dân bỏ công khai hoang từ những năm 70 của thế kỷ trước. Những cánh đồng ấy, nhờ trời, thường xuyên được hưởng phù sa bồi đắp từ sông Cà Lồ, mỗi năm cũng cho 3 vụ mùa, thu nhập hàng chục triệu đồng. ấy thế mà giờ đây những thành quả của mấy chục năm khai khẩn cùng đất đai Nhà nước bỗng dưng bị cúng cho Hà Bá. Nguyên do chính bởi những con tàu hút cát ngoài kia”. Nói đoạn cụ Tỵ chỉ tay ra phía sông Cà Lồ, nơi có hai con tàu hút cát đang nổ máy phành phạch thi nhau tuôn lên bờ những vòi cát đen xì. Tôi nhìn quanh “cánh đồng” mà cụ Tỵ chỉ, chỉ thấy những bờ, những hố sụt lún ngổn ngang như những hố bom.

Ông Nguyễn Văn Quang, một cư dân xóm Chòm thanh minh cho cái sự tiêu điều tại mảnh ruộng của mình: “Bắt đầu từ năm 2006 hàng loạt tàu hút cát không biết ở đâu tìm đến quãng sông này và bắt đầu rút ruột sông Cà Lồ. Những chiếc vòi bạch tuộc thay nhau ngày đêm cắm xuống lòng sông để bơm lên hàng nghìn mét khối cát. Khi lòng sông không còn khai thác được nữa, những chiếc vòi bạch tuộc chuyển hướng cắm vào bờ của khu Đồng Trong và Đồng Ngoài. Với tốc độ hút đến chóng mặt chả mấy chốc, bờ đất đã bị rỗng chân và thi nhau sụt lún khiến lòng sông Cà Lồ ngày một lấn sâu vào đất canh tác của người dân. Chỉ trong 3 năm gần 200 mẫu ruộng của cư dân 4 xóm bỗng chốc trôi ra sông hết sạch”. Ông Quang cay đắng: “Chúng tôi là nhà nông, tất cả chỉ trông vào bờ, bãi. Trước đây gia đình có 2 sào đất 64 (đất giao theo Nghị định 64CP) và 8 sào đất bãi khai hoang. Bây giờ tất cả đều “bốc hơi” ra sông cả, cả nhà đang loay hoay không biết trồng cấy kiếm sống bằng gì”.

Tàu hút cát vô tư hoạt động (ảnh chụp ngày 23-6)
Tàu hút cát vô tư hoạt động (ảnh chụp ngày 23-6)

Tứ bề sạt lở

Không chỉ riêng gia đình ông Quang mà hiện nay gần 35 hộ gia đình của 4 xóm trên cũng ở trong tình cảnh ngày ngày phải chứng kiến những mảnh ruộng bị mất ngay trước mắt mình. Chị  Ngô Thị Mùi vừa kéo quai nón quệt mồ hồi, mắt rưng rưng chỉ tay ra giữa lòng sông chua xót: “Ruộng nhà tôi kia kìa, bây giờ nó nằm dưới đáy sông Cà Lồ ấy. Con sông Cà Lồ trước đây chỉ rộng có 6-7m. Trẻ con nhà tôi còn lội qua được. ấy thế mà bây giờ, vì mấy con tàu hút cát, con sông đã tự “khai hoang” rộng ra đến gần 80 mét rồi. Sở dĩ nó rộng được ra đến như vậy là vì nó đã gặm hết 1 sào ruộng 64 và 2 sào ruộng khẩn hoang của nhà tôi từ mấy năm nay”.

Cũng trớ trêu như chị Mùi, gia đình anh Lê Tâm ở xóm Ngoài đã mất trắng 8 sào đất khai hoang từ năm 1979. Để giúp chúng tôi hình dung được diện tích cánh đồng của mình rộng, hẹp ra sao, anh Tâm phải dùng một “công cụ đo lường” hết sức “sáng tạo”. Bốc một nắm sỏi, anh Tâm dùng hết sức lực ném 1 viên ra giữa lòng sông: “Đấy, chỗ viên sỏi rơi “tõm” xuống nước là mép ruộng nhà tôi. Ném thật lực một viên khác lên phía thượng lưu, anh Tâm chú thích: “Đấy, chỗ “tõm” đấy là mốc chiều dài. Chú cứ nhìn chỗ tôi ném sỏi là biết ruộng nhà tôi dài, rộng thế nào. Bây giờ thì chịu rồi. Có muốn trồng cấy gì tôi chỉ còn cách mặc áo lặn đeo bình ôxy rồi lặn xuống đáy sông mà cày cấy thôi”.

Việc sạt lở bắt đầu từ năm 2006 diễn ra kéo dài tới tận bây giờ để lại không ít dấu ấn “kinh hoàng” với người dân nơi đây. Nhất là mỗi khi mùa nước nổi, hàng chục gia đình có ruộng gần bờ sông lúc nào cũng nơm nớp lo âu. Chị Lê Thị Nhỡ, ở xóm Ngoài vẫn lưu dấu ấn kinh hoàng mỗi khi ra ruộng: “Đang thu hoạch thì nghe thấy “ầm” một tiếng như bom chú ạ. Tôi quay lại thì thấy chỗ mảnh đất mình đứng cách đấy 5 phút đã biến mất từ lúc nào. Nhà có 1 sào đất nông nghiệp, sạt vài lần, giờ chỉ còn một nửa. Từ ấy, tôi cấm tiệt bọn nhỏ không được mang trâu, mang bò ra đấy chăn thả nữa, kẻo có ngày đất lở lôi cả người, cả bò xuống sông thì khốn”. Tôi hỏi chị Nhỡ: “Biết thế, sao chị không di dời mà vẫn cố gieo cấy trên phần còn lại làm gì?”. Chị Nhỡ đáp một câu gọn lỏn: “Ruộng đất đâu nữa mà dời!”. Tôi nhìn quanh một vòng cánh đồng. ừ, đất khai hoang đã bị “gặm” hết sạch, số còn lại đều đã chia theo hộ, theo khẩu. Hết đất từ tám hoánh nào rồi. Chẳng dời đi đâu được là phải.

(Còn nữa)

Nguyễn Long - Minh Quân