"Kinh hãi" khi tham gia giao thông: Chỉ khi đặt chân xuống đất, mới tin là… còn sống!

ANTD.VN - Trong vài ngày qua, những thông tin đầy ám ảnh về vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Long An khiến dư luận liên tiếp nêu ra những câu hỏi về vai trò của cơ quan quản lý và ý thức của người tham gia giao thông. Thực ra, đó hầu như toàn là những câu hỏi… cũ, bởi thực trạng giao thông bát nháo ấy vẫn chẳng có mấy biến chuyển sau nhiều năm. Và mỗi người chúng ta đều dễ dàng có trải nghiệm thót tim khi giao phó tính mạng của mình cho một bác tài nào đó trên đường…

Không bàn tới những vấn đề vĩ mô về giao thông hay chính sách, câu chuyện được kể dưới đây chỉ đơn giản là câu chuyện giao thông hằng ngày, mà tôi hay các bạn đều có thể bắt gặp phổ biến.

Sáng, tôi đặt một cuốc “xe ôm công nghệ” tới bến xe khách, để thực hiện chuyến đi tỉnh ngay trong ngày. Nhận cuốc là một nam thanh niên còn trẻ, đi chiếc xe máy số loại phổ thông, và… trụi gương chiếu hậu.

Với thái độ vui vẻ, vừa lên xe, nam thanh niên đã chia sẻ rằng đây là “nghề chính” của mình, khi vừa chở khách, vừa “ship” hàng theo đơn. Đã không ít lần ngồi sau tay lái “lảo đảo” của các lái xe ôm tới mức toát mồ hôi, tôi thầm hy vọng “nghề chính thì chắc là lái cứng, an toàn”.

Cảm giác mạnh đôi khi rất dễ trải nghiệm, như chỉ cần ngồi sau một lái xe ôm là... đủ (hình ảnh minh họa)

Vậy nhưng… giống hệt những lái xe ôm khác – những người chỉ “mới” về mặt công nghệ kết nối, còn tư duy lái ẩu, vượt ẩu thì vẫn cũ như ngày nào, thanh niên chạy xe công nghệ liên tục điều khiển xe ở làn vượt, làn trái đường vốn thường dành cho xe ô tô.

Tới khi có chiếc ô tô chạy sát phía sau tuýt còi, anh chàng lái xe giật mình, đánh lái sang phải để tránh. Không có gương chiếu hậu để quan sát, mỗi pha đánh lái như thế đều theo bản năng, và tất nhiên, đều biến sự an toàn trở nên mong manh theo kiểu “ngàn cân treo sợi tóc”.

Quả vậy, khi vừa đánh lái tránh ô tô, đuôi chiếc xe máy suýt quệt vào đầu chiếc xe máy khác đang đà tăng tốc. Lại “toét!” inh ỏi, và thanh niên cầm lái lại đánh xe lệch sang trái để tránh, và hiển nhiên… sát sạt chiếc ô tô đang vượt chưa hết cữ.

Hai cú đánh lái chỉ trong vài giây ngắn ngủi khiến vị khách ngồi sau là tôi toát mồ hôi. Nhưng dường như đó là câu chuyện thường ngày của anh lái xe trẻ tuổi, nên chỉ một lúc sau, mọi thứ lại lặp y hệt như thế. Trên quãng đường khoảng 5km, có bao nhiêu lần chiếc xe máy “giật mình” đánh lái, tôi cũng không đếm hết, chỉ biết rằng ngồi phía sau, tôi thấy cơ thể nóng ran dù thời tiết ngoài trời cỡ 10 độ C, gió lạnh bủa vây.

Ngoài việc đánh lái, cậu lái xe còn “tuân thủ” tuyệt đối quy tắc… điền vào chỗ trống. Cứ chỗ nào có thể lách được, là cậu sẽ phi vào, kể cả khi đó là khe rất hẹp giữa 2 chiếc ô tô, hay giữa ô tô với vỉa hè. Bất chấp lời nhắn nhủ “anh không vội đâu” của tôi, anh chàng vâng dạ xong lại tiếp tục lách, vượt. Tôi chỉ còn nước ngồi áp sát lái xe, và thầm đếm có 2 lần vượt phải ô tô, chân tôi chạm vào cả thành xe và vỉa hè, khoảng 3-4 lần lách giữa 2 ô tô, và vô số lần chen giữa 2 xe máy…

Chỉ tới khi đặt chân xuống đất, tôi mới có thể thở phào rằng mình… sống rồi! Nếu có ai đó nói rằng do tôi không may, gặp phải lái xe ẩu, thì hoàn toàn không chính xác. Bởi thứ cảm giác mạnh kể trên, tôi đã trải qua rất nhiều lần mỗi khi ngồi sau “xe ôm”, bất kể là xe ôm công nghệ hay truyền thống.

Chạy ẩu, đảo làn gấp... là hành vi không hiếm gặp trên đường

Nhưng sự thư thái sau khi chạm chân xuống đất của tôi chỉ kéo dài được hơn một tiếng. Cảm giác hãi hùng quay trở lại, và còn “nặng đô” hơn trước, khi tôi bước chân lên một chiếc xe khách loại 29 chỗ để đi tỉnh.

Khi vừa xuất bến, chiếc xe khách chạy chậm rãi hơn cả xe đạp, còn nữ phụ xe liên tục hò hét tên các điểm sẽ đi để mời chào khách. Đã có những đợt cơ quan chức năng ra quân, xử lý hành vi đón khách giữa đường, nhưng dường như nỗ lực đó chưa mang lại nhiều hiệu quả, bởi số lượng xe khách chạy tà tà trên đường không dừng ở con số một vài chiếc… Trong suốt quá trình chạy “rùa bò” ấy, nữ phụ xe liên tục gọi điện cho các xe đi trước và xe ở sau, để nắm vị trí những chốt xử lý vi phạm. Thậm chí, người phụ nữ này còn nhắc lái xe nhớ… “tắt định vị đi”.

“Tính năng để quản lý đó mà có thể tắt dễ dàng như vậy sao?”, tôi thầm nghĩ về những lỗ hổng đang bị các nhà xe khai thác để lách luật.

Sau khoảng một tiếng đồng hồ đi tốc độ lò dò, chiếc xe khách bắt đầu tăng tốc khi tới đoạn đường không còn khách. Mặc dù trời đổ mưa, đường trơn, chiếc xe vẫn phóng hết chân ga, liên tục vượt các phương tiện khác. Nhìn qua tấm kính xe, tôi hãi hùng khi chứng kiến cách lái xe khách lạng lách, phóng tốc độ cao như vậy.

Hành trình trên đường khi ấy giống như một cuộc đua giữa xe khách với xe khách khác, với xe tải, với đủ phương tiện trên đường. Nói "dại mồm", chỉ cần một va chạm nhỏ, không biết chiếc xe khách hoặc những người đi xe máy phía dưới sẽ như thế nào… Lúc đó, thái độ của lái xe vẫn bình thản, coi đó như “chuyện thường ngày ở huyện”.

Một xe khách vượt ẩu, bất chấp những rủi ro có thể xảy ra trên đường

Bất ngờ, xe phanh gấp, vang lên tiếng rít chói tai, tiếng bánh xe miết mạnh trên mặt đường trơn, tất cả hành khách ngã dúi dụi về phía trước. Đó là lúc tim tôi và mọi người “vọt” ra ngoài, bởi tin chắc sắp có một va chạm khủng khiếp xảy ra.

Nhưng không!

Lái xe phanh cháy bánh xong, điềm nhiên chạy rà vào bên phải để… đón khách. Hóa ra có vị khách đứng đợi dọc đường, giơ tay vẫy, và như một phản xạ có điều kiện, lái xe lập tức phanh, đánh lái, dù chiếc xe đang chạy tốc độ cao ở làn trái đường.

Đón khách xong, chiếc xe lại quay về tốc độ hãi hùng trước đó. Cứ thế, mỗi khi có khách dọc đường, lái xe lại phanh “nhổng đuôi” để vào đón, khiến đôi dép mà tôi tuột ra để dưới sàn bị trôi qua mấy hàng ghế.

Bởi thế, có lẽ mọi người trên xe cũng đều thầm mong trong bụng như tôi, là đừng có ai đứng ở mép đường mà bất thình lình giơ tay ra nữa. Vì mỗi cú giơ tay đó của họ sẽ khiến cả đoàn chúng tôi dúi dụi về phía trước, dép lại trôi tuột đi, còn tim thì như tuột khỏi lồng ngực. Mà nhiều khi, có khách giơ tay vẫy, xong lại lắc đầu không lên. Nhưng chúng tôi thì vẫn cứ bị những cú phanh gấp như thế “hành xác”.

Cho tới lúc được đặt chân xuống đất, tôi mới tin rằng mình lại được… sống thêm một lần nữa, sau những pha mạo hiểm lúc ngồi phía sau xe máy ở nội đô, cho tới các pha thót tim trên xe khách.

Cái kết buồn của một chiếc xe chở khách liên tỉnh

Sau vụ tai nạn thảm khốc ở Long An khiến dư luận bàng hoàng, đã có nhiều lời kêu gọi cơ quan chức năng siết chặt quản lý, từ việc cấp giấy phép cho lái xe đến những hình thức xử lý vi phạm nghiêm khắc hơn. Nhưng có đặt chân ra đường, chứng kiến thói điều khiển phương tiện vô ý thức của những người làm dịch vụ vận tải, thì chúng ta mới thấy khoảng cách từ những lời kêu gọi cho đến hiệu quả thực tế còn rất xa vời.

Và thế là, tôi và nhiều người khác vẫn phải chấp nhận thực tế rằng, chỉ khi đặt hai chân xuống đất, thì mới dám tin rằng mình vẫn còn… sống! Rồi khi mở điện thoại lên, đập vào mắt mình vẫn là những thống kê đau lòng về số vụ TNGT xảy ra, số lượng thương vong, mà như cách ví của một tờ báo trước đây, là “mỗi năm một sư đoàn lại hy sinh trong thời bình”, hay “mỗi năm TNGT xóa sổ một xã”.

Thực tế đó, quả là vô cùng chua chát!