Kiên cường vượt qua di họa bom mìn sau cuộc chiến

ANTD.VN - Ngày cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc nổ ra, anh Hầu Vạn Sáng và chị Vàng Thị Mị ở xóm Hạ Sơn (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) mới chỉ là những đứa trẻ. Tuy vậy, trong ký ức của họ những tiếng nổ kinh hồn của đạn pháo, súng cối, tiếng hò hét của quân bành trướng xâm lược từ bên kia biên giới tràn sang vẫn ám ảnh đến tận bây giờ. 

Dù là đồng bào dân tộc Mông sống tít tận trên núi cao và cũng chẳng liên quan gì đến cái gọi là những mưu đồ nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học” mà nhà cầm quyền Bắc Kinh ngụy biện về cuộc chiến, nhưng khi thấy bom rơi đạn nổ, cả anh Hầu Vạn Sáng, cả chị Vàng Thị Mị cũng phải cuống cuồng theo cha mẹ sơ tán về tận Bắc Quang cho tới năm 1989 mới dám quay trở lại quê nhà ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang).

Kiên cường vượt qua di họa bom mìn sau cuộc chiến ảnh 1Anh Tráng Mý Hồ với chiếc chân cụt do mìn năm 2018

“Tiếng vọng” sau cuộc chiến

Những tưởng chuỗi ngày khủng khiếp qua đi, cuộc sống yên bình khiến anh Sáng có thể an cư lạc nghiệp. Nào ngờ mấy chục năm sau, những “tiếng vọng” của chiến tranh vẫn chưa buông tha. Và đến bây giờ, cuộc chiến ở biên giới lại hiển hiện ngay trong gia đình anh. “Khổ lắm, chồng mình chết rồi, bây giờ cả nhà không dám đi nương nữa. Con trâu, con lợn thả trên đồi cũng bị vướng mìn thì biết lấy gì để sống đây?” - chị Vàng Thị Mị, vợ anh Sáng thở dài.

Chỉ vào  con trai cả Hầu Mí Thành mới 20 tuổi, chị Mị quả quyết: “Thằng này nó thương vợ, muốn quay lại làm cái nương lấy gạo nuôi con. Mình có cấm đấy, nhưng nó vẫn cứ đi. Không biết rồi đây nó có nuôi được vợ con không hay cả nhà sẽ phải nuôi nó”.

Gia đình anh Sáng, chị Mị là một câu chuyện buồn của xóm Hạ Sơn về những tai nạn bom mìn do địch cài lại sau chiến tranh khi cả hai cha con cùng gặp nạn. Một buổi sáng đầu tháng 4-2017, Hầu Mí Thành lên mảnh nương mà cha em mới phát trên triền núi chỉ cách nhà 30 phút đi bộ. Sau khi dọn sạch lớp cỏ tranh mà cha mới phát hôm trước, Thành vung cuốc để lật lớp đất cho cha trỉa ngô thì bất ngờ một tiếng nổ đanh gọn vang lên. “Em chỉ thấy ánh chớp xanh lè rồi tối tăm mặt mũi. Phải đến 5 phút sau, định thần lại em mới hiểu ra là mình vừa cuốc trúng một quả mìn” - Thành nói.

Không hiểu bằng một phép màu nào đó, vụ nổ chỉ khiến Thành bị thương nhẹ. Dù khắp mặt mũi, cánh tay loang lổ máu, nhưng em chỉ bị mảnh mìn găm lên phần mềm. Quả mìn xé toang bộ quần áo Thành đang mặc, cắt độ hơn chục mảnh nham nhở lên ngực và tay của em nhưng may mắn không lấy đi một bộ phận cơ thể nào. Sau khi được cha đưa xuống cấp cứu ở trạm xá xã thì Thành nhanh chóng bình phục.

Nhưng anh Sáng lại không được may mắn như con trai mình. Tiếc mảnh nương vừa phát, đúng 2 tuần sau, anh quay lại chiếc lán để thu gom vật dụng và mang đàn gà xuống núi thì gặp họa. Những cư dân trong xóm Hạ Sơn nghe thấy một tiếng “ầm” trên triền núi rồi hối nhau chạy ra xem. 

Kiên cường vượt qua di họa bom mìn sau cuộc chiến ảnh 2Anh Hầu Mí Thành với những vết thương trên cơ thể từ năm 2017

Khi có mặt, mọi người thấy anh Sáng nằm thoi thóp giữa lớp cỏ tranh phía sau lán, 2 ống chân nát nhừ, máu tuôn xối xả. Hầu Mí Thành kể lại: “Bà con vội vàng xé áo quấn chặt vào 2 chân cho cha em rồi cõng lên vai vội vàng đưa xuống núi. Nhưng tất cả không còn kịp nữa, mới xuống được nửa đường thì cha em chết. Vậy là chỉ trong chưa đầy một tháng, cả hai cha con em đều gặp nạn vì mìn”.

Ông Lý Xuân Lìn - Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy gần như đã thuộc lòng tên của hàng chục trường hợp cư dân trong xã bị tai nạn do bom mìn sót lại sau chiến tranh.Ông Lìn cho biết: “Đến nay, xã tôi có tất cả 45 trường hợp người dân bị chết và bị thương vì mìn rồi. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới đã chấm dứt hơn 30 năm, nhưng tính ra mỗi năm có 15 người bị tai nạn. Hay nói cách khác thì ít nhất cứ 1 tháng lại có 1 người bị vướng mìn. Người chết thì đi một nhẽ, còn những người bị thương mới khổ, bởi hầu hết họ đều què cụt, mù, tàn phế suốt đời. Đó là mới chỉ tính người gặp nạn thôi, còn số trâu, bò, gia súc người dân chăn thả thì nhiều không kể xiết”.

Ông Phan Văn Vuông - Bí thư xã Thanh Thủy thở dài: “Câu chuyện về mìn ở Thanh Thủy đến nay vẫn rất đau xót và ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất nông nghiệp của địa phương. Toàn xã tính đến nay số diện tích đất nông nghiệp được rà phá bom mìn là khoảng 500ha và vẫn còn độ hơn 300ha chưa thể dọn sạch. Nguy hiểm hơn, ngoài số mìn thông thường cài lại, quân bành trướng xâm lược còn cài xen kẽ rất nhiều loại mìn Plastic mà chúng tôi vẫn gọi là mìn nhựa. Đặc điểm của loại mìn này là nhỏ, màu sắc lẫn với màu cây cối và bằng nhựa nên mắt thường hay thậm chí cả máy dò cũng rất khó phát hiện ra. Nhiều khu vực chúng tôi tưởng chừng đã dò sạch, thế nhưng sau đó tai nạn vẫn xảy ra. Không chỉ có thế, các loại mìn này lại chủ yếu được sản xuất với mục đích chỉ để làm cụt chân tay, gây tàn phế vĩnh viễn nhằm khủng bố thường dân. Chúng làm vậy để triệt tiêu người dân định cư, đồng ruộng không thể sử dụng được, gây hậu quả lâu dài”.

Kiên cường đứng dậy

Trong số những nạn nhân tàn phế vì mìn ở Vị Xuyên có vô vàn những tình huống mà chỉ có đầu óc dã tâm của những kẻ xâm lược mới có thể nghĩ ra được. Trường hợp của anh Tráng Mý Hồ ở thôn Giang Nam là một ví dụ. Nương của anh Hồ ở gần mốc 263, cách nhà độ 1 giờ đi bộ. Khu vực này có thể coi là tương đối “sạch” mìn bởi anh đã canh tác ở đây gần chục năm nay mà không xảy ra chuyện gì. Thế nhưng tai ương lại giáng xuống đầu anh vào lúc khó lường nhất.

Một buổi tối tháng 7-2018, anh Tráng Mý Hồ lên nương để tìm con bò mải gặm cỏ không chịu về chuồng. Trong lúc dắt bò xuống núi, sợi dây thừng lòng thòng dưới chiếc mõ đeo ở cổ bò bỗng bị móc lại dưới chân một tảng đá nhỏ. Cái tảng đá ấy, bao năm nay anh Tráng Mý Hồ vẫn ngồi nghỉ chân bên cạnh, thế nhưng khi anh mới đẩy nhẹ nó lên để kéo sợi dây ra thì một ánh chớp lóe lên kèm tiếng nổ kinh hoàng.

Dù đêm tối, nhưng sau giây phút định thần lại, anh Tráng Mý Hồ không còn thấy cẳng chân của mình đâu. “Quả mìn nổ gọn lắm, mình chỉ thấy tê rát khắp người thôi chứ chẳng đau đớn gì. Lúc đó mình vẫn rất tỉnh và còn cởi áo ra để buộc vết thương, sau đó lấy điện thoại di động gọi cho người nhà lên cứu” - anh nhớ lại. Khi làng xóm tới nơi thì anh Tráng Mý Hồ đã ngất, nhưng may sao cán bộ y tế trạm xá xã đã kịp thời cầm máu và tức tốc chuyển anh xuống bệnh viện tỉnh. Sau một thời gian nằm viện, anh Tráng Mý Hồ về với chiếc chân bị cụt tới đầu gối.

Anh Tráng Mý Hồ cho biết: “Mình sợ rồi, trong những cánh rừng kia chẳng ai biết có bao nhiêu quả mìn đâu. Vả lại mình bị cụt rồi, có muốn cũng chẳng leo lên cao được”. Rồi anh nói: “Không đi nương thì mình ở nhà nuôi bò. Vừa rồi Viettel có giúp người tàn tật như mình đôi bò, mình chăm đến nay đã đẻ thành 5 con. Nuôi thêm mấy con lợn nữa rồi bán đi lấy tiền mua gạo, thu nhập hơn làm nương đấy”.

Kiên cường vượt qua di họa bom mìn sau cuộc chiến ảnh 3Không đi được nương, anh Tráng Mý Hồ ở nhà nuôi bò, thu nhập cũng khá hơn

Nhìn anh Tráng Mý Hồ tập tễnh với chiếc chân giả, ít ai biết được trong một năm qua anh đã nghị lực vượt qua đau đớn và vất vả thế nào để có được đàn gia súc như bây giờ. Người hàng xóm là anh Tráng A Chủng đến chơi bảo: “Nó cụt mà làm ăn hơn cả người lành. Nếu còn 2 chân, chắc sẽ giàu nhất thôn”. Nghe thấy vậy, anh Hồ chỉ cười, tiếng cười trong veo như thể chưa từng gánh trên vai những khổ đau nhọc nhằn của đời mình. 

Gió từ 2 ngọn núi Răng Cưa và Khau Miều thổi xuống quấn vào nhau, reo trên những ngọn đào trước cửa nhà. Có lẽ anh Hồ cũng giống như mảnh đất Vị Xuyên đã từng nuôi anh lớn lên suốt 40 năm nay. Mảnh đất từng hứng chịu đạn bom chiến tranh, nhưng vẫn kiên cường đứng lên dù mang trên mình nhiều vết thương sau cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc đều không mong muốn xảy ra xung đột, chiến tranh. Những vết thương từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc nhắc nhớ chúng ta luôn trân trọng những bài học lịch sử và giá trị của hòa bình, hợp tác và phát triển hôm nay.