Kiếm sống trên dải phân cách
(ANTĐ) - Khoảng 3km chiều dài của dải phân cách nằm trên đường Láng, Hà Nội bị biến thành điểm kinh doanh “lý tưởng” của hơn chục quán nước chè, gần hai chục người chuyên dán ni lông cho xe máy và điện thoại, nơi đợi khách của hàng chục lái “xe ôm”... Chưa hết, nó còn là chỗ cho một số nhà hàng ăn uống tận dụng diện tích để nướng thịt...
Sự hình thành con đường mới
Trước đây, đường Láng nằm dọc theo sông Tô Lịch (đoạn từ đầu cầu Dịch Vọng đến cầu Mới, Ngã Tư Sở), lòng đường khá nhỏ, là một trong những con đường có mật độ giao thông lớn của thành phố, thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm.
Sau khi hoàn thành công trình kè dọc hai bờ sông Tô Lịch, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông Công chính mở rộng, nâng cấp con đường dọc theo kè sông Tô Lịch (có điểm đầu là Hoàng Quốc Việt đến điểm cuối là Cầu Mới) thành đường giao thông đô thị, có chiều rộng 7,5 m, đạt tiêu chuẩn đường cấp I nội đô, nhằm tạo thêm một làn đường mới cho các phương tiện giao thông qua lại thuận tiện.
Cuối năm 2005 con đường mới ấy được hoàn thành và đưa vào sử dụng, từ đó vỉa hè của đường Láng (nằm phía sông Tô Lịch) trước đây bỗng dưng trở thành dải phân cách của con đường Láng hiện nay.
Những người tham gia giao thông tại đây đều cảm nhận một điều từ khi con đường ven sông Tô Lịch đưa vào hoạt động, không còn xảy ra cảnh ùn tắc giao thông trên tuyến đường Láng. Đồng thời số vụ va chạm, TNGT ở đây cũng giảm hẳn.
Nhưng khi đường Láng có dải phân cách khá đẹp và rộng với hàng cây xanh mát thì nó đã bị biến thành một địa điểm kinh doanh “lý tưởng” cho một số người, càng ngày số người đến đây kinh doanh một nhiều hơn với đủ các mặt hàng khác nhau. Và đường Láng là con đường duy nhất có dải phân cách bị biến thành nơi kinh doanh.
Khi dải phân cách bị biến thành chợ
Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi có mặt tại đường Láng, Hà Nội, con đường nằm trong địa giới hành chính của một số phường trong địa bàn quận Đống Đa và quận Thanh Xuân. Dạo quanh 2 vòng của con đường, chúng tôi đếm được hơn chục quán nước chè, cả hàng nước mía bày bàn ghế trên dải phân cách để bán hàng.
Nhiều nhất vẫn là các tấm biển chỉ bằng khổ tờ báo với dòng chữ: “Chuyên dán ni lông cho xe và điện thoại” được đặt ngay ngắn trên dải phân cách, bên cạnh đó là những thanh niên với các hộp các tông chất đầy ni lông đủ các mẫu mã bắt mắt.
Thấy chúng tôi dừng xe, mấy thanh niên ùa ra tranh nhau chào mời dán ni lông cho xe máy rồi họ cãi chửi nhau để tranh khách. Khi chúng tôi giơ máy ảnh, họ buông những câu thiếu văn hóa rồi bỏ đi nơi khác.
Một người dân ở phường Láng Hạ, có cửa hàng kinh doanh trên đường Láng nói với chúng tôi: “Những người kinh doanh tại dải phân cách của con đường này phần lớn đều là người ở nơi khác đến đây, họ đã làm cho trật tự đô thị của con đường này thêm phức tạp”.
Tại đoạn đường Láng (thuộc địa phận phường Láng Thượng), chúng tôi được chứng kiến cảnh các lái “xe ôm” nằm ngả ngốn trên xe đỗ ở dải phân cách để chờ khách. Có lẽ do dải phân cách ở đoạn này khá rộng và mát, nên rất nhiều hàng cắt tóc kê bàn ghế và gương để đợi khách.
Trên dải phân cách rất đẹp đó, người ta còn nhìn thấy những chiếc xe chở rác nằm thành từng hàng. Đoạn ngang với số nhà từ 801 đến 811, còn có quán vịt cỏ vô tư nướng vịt trên dải phân cách, khói nghi ngút phả vào mặt người đi đường...
Trong khi các quận của thành phố Hà Nội đang nỗ lực xây dựng các tuyến phố đạt tiêu chuẩn văn minh đô thị, lẽ nào chính quyền các phường sở tại nơi có đường Láng đi qua lại không biết điều này, họ đã để những hàng quán tự do hoạt động trên dải phân cách của con đường được đầu tư, xây dựng khá nhiều tiền của như vậy. Nhiều người cho rằng, cần dẹp ngay “chợ” trên dải phân cách này, trả lại cảnh quan đô thị và đảm bảo trật tự công cộng tại đây.
Quốc Đô