Không “xứng tầm” khu đô thị mới

(ANTĐ) - Dự án khu đô thị mới (ĐTM) Đại Kim - Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai do Xí nghiệp Kinh doanh phát triển nhà Thanh Trì (nay là Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội) làm chủ đầu tư được triển khai đến nay đã gần 10 năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cơ sở hạ tầng nơi đây dường như vẫn án binh bất động.

Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công, phường Định Công,  quận Hoàng Mai:

Không “xứng tầm” khu đô thị mới

(ANTĐ) - Dự án khu đô thị mới (ĐTM) Đại Kim - Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai do Xí nghiệp Kinh doanh phát triển nhà Thanh Trì (nay là Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội) làm chủ đầu tư được triển khai đến nay đã gần 10 năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cơ sở hạ tầng nơi đây dường như vẫn án binh bất động.

Mặc dù trời nắng nhưng nước thải vẫn dềnh lên khắp lối đi
Mặc dù trời nắng nhưng nước thải vẫn dềnh lên khắp lối đi

Úng ngập khắp nơi

Ông Nguyễn Văn Biên, tổ trưởng tổ 26A khu ĐTM dẫn chúng tôi ra phía sát bờ kè sông Lừ cách khu nhà A chưa đầy chục mét bức xúc: “Phải chứng kiến cảnh nước úng ngập sau mỗi trận mưa mới thấy được nỗi khổ của người dân trong KĐT.

Toàn bộ khu ĐTM rộng 24ha có 5 họng thoát nước sinh hoạt và nước mưa ra sông Lừ nhưng đến nay một số họng nước này vẫn còn dang dở và bị “chặn” lại do chưa giải phóng được mặt bằng.

Chỉ cần một trận mưa, nước thải từ miệng cống, từ nhà vệ sinh sẽ dềnh lên. Rác thải từ hệ thống thoát nước sinh hoạt, bể phốt nổi lềnh bềnh khắp nơi, chảy ngược vào nhà dân bốc mùi hôi thối, khó chịu.

Không những thế việc chậm triển khai nhiều hạng mục đã biến những bãi đất trống quanh khu vực nhà dân thành nơi đổ rác, phế thải, thậm chí chăn nuôi lợn, bò gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được các cơ quan chức năng giải quyết, thậm chí nhân dân tự bỏ tiền ra thuê đất để tạo lối thoát cho hệ thống tiêu nước mưa cũng không được”.

Cũng theo nhiều hộ dân sống tại đây, cơ sở hạ tầng thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nơi sinh hoạt cũng chưa được xây dựng, người dân phải gửi trẻ và cho con đi học ở các quận trong nội thành rất khó khăn và bất tiện.

Có mặt tại các khu nhà A1, A5,… và khu biệt thự, chúng tôi thấy nhiều bãi đất trống có diện tích hàng trăm mét đang bị bỏ hoang, cỏ mọc cao quá đầu người. Đằng sau các khu nhà có nhiều hố ga đã bị vỡ nắp để mặc mưa nắng chẳng ai thèm sửa chữa, nước ứ đọng dềnh lên dọc lối đi, rêu đóng thành từng lớp bốc mùi xú uế khắp KĐT.

Cần đẩy nhanh tiến độ dự án

Được biết hạng mục cống thoát nước ra sông Lừ nằm trong phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án khu ĐTM Đại Kim - Định Công đã được UBND thành phố phê duyệt từ năm 1998 do Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Nhưng do 3 hộ dân chưa thống nhất giá, diện tích đền bù nên đến nay hạng mục này vẫn chưa được thi công hoàn chỉnh.

Ngoài ra, còn 13 hộ khác có đất nông nghiệp nằm trên diện tích đất làm đường dọc sông Lừ cũng chưa được GPMB. Việc chậm trễ GPMB khiến người dân trong KĐT phải sống trong điều kiện cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, mất mỹ quan, tạo nên sự nhếch nhác.

Theo đại diện BQL Dự án khu ĐTM Đại Kim - Định Công, đến thời điểm hiện tại, tổ công tác mới hoàn tất hồ sơ kê khai GPMB đối với các hộ dân và báo cáo chờ ý kiến chỉ đạo của quận Hoàng Mai.

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, ông Nguyễn Văn Tuyến - Chủ tịch UBND phường Định Công cho biết: “Hiện nay, nhiều hạng mục tại khu ĐTM Đại Kim - Định Công không đạt yêu cầu so với thiết kế, cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ khiến các hộ dân rất bức xúc và đã kiến nghị lên phường nhiều lần.

Trước thực tế này, phường đã làm việc với BQL dự án và chủ đầu tư để có hướng khắc phục giúp người dân ổn định cuộc sống nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt là hệ thống thoát nước ra sông Lừ đang bị đình lại do vấn đề GPMB.

Nguyên nhân là do ngay từ thời điểm GPMB, BQL dự án đã không làm đồng loạt và còn tồn đọng lại một số hộ dân nằm trong quy hoạch không chịu di dời do hai bên chưa thống nhất được giá đền bù.

Qua nhiều năm, giá đền bù tại thời điểm trước không còn phù hợp nên vào thời điểm hiện tại BQL dự án phải có thỏa thuận lại với các hộ dân.

Do chức năng của phường chỉ là đôn đốc, phối hợp  cùng các cơ quan chức năng để giải quyết nên trong thời gian tới phường sẽ tiếp tục kiến nghị đến những đơn vị có liên quan sớm hoàn tất những công việc còn dang dở”.

Đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan nên nhanh chóng vào cuộc để có phương án giải quyết dứt điểm, kể cả thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án.

Ngọc Bảo