Không thay đổi nhận thức, khó loại trừ đại dịch HIV

ANTD.VN - Năm 2018 là năm thứ 10 liên tiếp dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả 3 tiêu chí. Thế nhưng thực tế cho thấy, diễn biến đại dịch này vẫn rất phức tạp, mục tiêu loại trừ HIV vào năm 2030 không hề dễ dàng.

Ngay tại Hà Nội, dù công tác phòng, chống HIV được đầu tư và triển khai rất quyết liệt với nhiều biện pháp đa dạng, nhận thức của người dân về HIV đã được nâng cao, song sự kỳ thị với người nhiễm HIV vẫn còn, tình trạng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục gia tăng…

Không thay đổi nhận thức, khó loại trừ đại dịch HIV ảnh 1Tư vấn cho các đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV 

Nguồn lây nhiễm tiềm tàng trong cộng đồng rất lớn

Hiện nay, mỗi năm cả nước có khoảng 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện, từ 3.000 - 4.000 người tử vong do AIDS. HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tử vong ở Việt Nam. Đặc biệt, vẫn còn ít nhất khoảng 50.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. 

Riêng tại Hà Nội - địa phương có số người nhiễm HIV/AIDS đứng thứ hai toàn quốc - hiện đang có khoảng hơn 20.000 người nhiễm HIV. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, số ca nhiễm HIV đã được phát hiện mới chỉ chiếm 71% số người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng. 

TS Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, hiện tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở Hà Nội là 267 người/100.000 dân nhưng thực tế có khoảng gần 30% người chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Chính số này có thể “vô tình” là nguồn lây nhiễm HIV cho người khác do không được tư vấn và thực hiện các dịch vụ dự phòng, các dịch vụ điều trị thuốc kháng virus (ARV) sớm. Đó là chưa kể tại cộng đồng còn khoảng 4.000 người nhiễm HIV đã phát hiện nhưng chưa được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus ARV. 

Một thách thức lớn nữa đối với công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay chính là sự thay đổi phức tạp về đường lây truyền HIV. Phân tích về điều này, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, khó khăn nhất hiện nay chính là tình trạng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục gia tăng mạnh (chiếm chủ yếu). Lo ngại hơn là lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong nhóm tuổi trẻ. Tính chất di biến động dân cư của Thủ đô càng khiến cho dịch bệnh HIV/AIDS khó kiểm soát và khó phát hiện. 

Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị với người nhiễm HIV vẫn còn. Từ kỳ thị tạo ra rào cản khiến người có nguy cơ và người lây nhiễm HIV không muốn tiếp cận dịch vụ điều trị, dự phòng lây nhiễm HIV, dẫn tới việc xét nghiệm phát hiện và đưa người nhiễm HIV vào điều trị ARV gặp nhiều khó khăn.

Không thay đổi nhận thức, khó loại trừ đại dịch HIV ảnh 2Khám điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Bệnh viện Đống Đa

Nhiễm HIV không có nghĩa là cuộc sống đã chấm dứt

Có tận mắt chứng kiến công tác điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV tại các bệnh viện mới thấy, người nhiễm HIV/AIDS cần sự chia sẻ và thấu hiểu, giúp đỡ của cộng đồng đến nhường nào. Điều dưỡng Nguyễn Thu Hiền, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - người có hơn 20 năm gắn bó với công việc chăm sóc những bệnh nhân HIV từng kể, trong số hàng trăm bệnh nhân nhiễm HIV mà chị đã chăm sóc, có thể là người nghiện hút ma túy, gái mại dâm nhưng cũng có nhiều trường hợp vô tình mắc bệnh. Họ vẫn sống khỏe mạnh như nhiều người khác khi được điều trị, nhưng đa phần họ bị xã hội, thậm chí chính gia đình mình bỏ rơi. Và trong sâu thẳm họ luôn khát khao có được mái ấm gia đình, mong muốn trở thành cha, thành mẹ nhưng chính nhận thức sai lầm về “căn bệnh thế kỷ” lại là rào cản lớn nhất đối với họ.

Trên thực tế, nhiều bà mẹ nhiễm HIV nhưng vẫn sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh. Tại Bệnh viện Đống Đa, hiện trung bình mỗi năm có 3 hoặc 4 trẻ chào đời từ những cặp vợ chồng nhiễm HIV đang được điều trị ARV. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, nếu không được can thiệp thì cứ 100 trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV có tới 30 - 40 bé sẽ nhiễm virus nhưng nếu được phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị kịp thời thì trong số trẻ ấy chỉ còn khoảng 1 - 5 bé nhiễm HIV. 

Mặt khác, dù thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi HIV nhưng khi được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV theo đúng chỉ định của bác sĩ, người bệnh vẫn có thể sống đến cuối đời với tuổi thọ rất cao. Vì thế, đã đến lúc xã hội cần thay đổi nhận thức về căn bệnh này. 

Có thể nói, trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thì vấn đề nhận thức của cộng đồng về các nguy cơ lây lan và cách phòng, tránh có vai trò hết sức quan trọng, quyết định tới việc ngăn ngừa đại dịch. Phát biểu tại lễ Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia và ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2018 diễn ra đầu tháng 12 này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị lãnh đạo các ngành, các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS, không lơ là chủ quan. Bộ trưởng cũng nêu rõ, phòng, chống HIV/AIDS không phải là nhiệm vụ của riêng một cá nhân, tổ chức, mà đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, xã hội. Điều quan trọng là cần tăng cường sự hỗ trợ, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS. 

Bệnh viện Đống Đa sẵn sàng hỗ trợ các cơ sở điều trị người bệnh HIV

Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - bệnh viện chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm của Hà Nội vừa có văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc ngành y tế Thủ đô về việc đơn vị này sẵn sàng hỗ trợ quản lý, điều trị người bệnh HIV, viêm gan virus B, C.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa Lê Hưng cho biết, qua hoạt động đi tuyến và giám sát hàng năm, Bệnh viện Đống Đa nhận thấy có một số cơ sở khám chữa bệnh chưa quản lý, theo dõi được người nhiễm virus viêm gan B, viêm gan C, HIV. Nhiều người bệnh chưa được chỉ định xét nghiệm đo tải lượng virus thường quy theo các hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Trong khi đó nhiễm virus viêm gan B, viêm gan C và HIV là các bệnh cần điều trị thuốc kháng virus đặc hiệu.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đúng hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế và đảm bảo quyền lợi của người bệnh, Bệnh viện Đống Đa sẽ hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh trong việc chuyển tuyến chuyên môn đối với người bệnh có chỉ định xét nghiệm đo tải lượng virus hoặc chuyển mẫu bệnh phẩm đến bệnh viện. Cùng đó, Bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm HIV, viêm gan virus B, viêm gan virus C để quản lý, điều trị đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người bệnh.

91,5% người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế cho biết, đối với bệnh nhân HIV được điều trị thuốc kháng virus (ARV) hàng ngày theo đúng chỉ định của bác sĩ, đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang đối tác, kể cả khi không dùng bao cao su hoặc bất cứ biện pháp an toàn nào. Ở Việt Nam, 91,5% số người điều trị ARV đều có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, tức là không có khả năng lây nhiễm sang bạn tình khi quan hệ tình dục. Thậm chí, khi vô tình bị kim tiêm của người nhiễm HIV đâm vào cơ thể, nếu đầu mũi tiêm không có máu sẽ không có khả năng lây bệnh.