Không để "vàng thau lẫn lộn"

ANTD.VN - Trong khi nền kinh tế Việt Nam đang dấn bước hội nhập khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, ngành Giáo dục - đào tạo càng không thể chậm chân, nhất là lĩnh vực đào tạo tiến sĩ, một trong những “mắt xích” yếu nhất trong dây chuyền đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ của đất nước. 

Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ vừa được Bộ GD-ĐT công bố có những điểm mới gì và liệu có kéo ngành đào tạo nước ta thoát khỏi vùng trũng khu vực cũng như tình trạng “tiến sĩ giấy” khiến dư luận xã hội lo ngại?

Quy mô đào tạo tiến sĩ năm học 2015 - 2016 là 13.598 nghiên cứu sinh, cộng với hàng chục vạn tiến sĩ đã “ra lò” trong những năm qua, thực sự là một đội ngũ “chất xám” hùng hậu. Không thể phủ nhận trong đội quân trí thức tiên phong đó đã có những gương mặt xuất chúng được vinh danh, làm rạng rỡ đất nước.

Song cũng phải thừa nhận một thực tế là trong khoảng 160 cơ sở đào tạo gồm các trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam chưa có nơi nào lọt vào tốp 300 trường đại học xuất sắc được xếp hạng trên thế giới. Vì thế những đổi mới trong tiêu chuẩn của ứng viên dự tuyển và điều kiện đầu ra trong quy chế này đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, đồng thời tính đến cả việc “thải loại” trong quá trình đào tạo. 

Bản thân một số giáo sư, tiến sĩ cũng nói thẳng thực trạng đào tạo trong những năm qua khi có tới 90% người học tiến sĩ chỉ cốt để có bằng cấp chứ không phải vì say mê theo đuổi con đường học thuật. Cuộc “chạy đua” bằng cấp, học hàm, học vị đã diễn ra khá phổ biến ở nước ta dẫn đến hậu quả số lượng tiến sĩ đông nhưng không mạnh, nhiều nhưng không giỏi. 

“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nhiều người trong ngành giáo dục đã đưa ra con số so sánh đáng buồn về tỷ lệ tiến sĩ của Việt Nam vượt xa so với các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, nhưng chất lượng quốc tế về những công trình nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế lại là một khoảng cách quá xa. Đó là chưa kể, một thực tế đã được những người trong cuộc phản ánh, kêu ca về chuyện công trình nghiên cứu nhưng cũng chỉ cho vào ngăn kéo, tủ tài liệu phủ bụi...

Mặc dù đã được dày công biên soạn văn bản, tiếp thu ý kiến chuyên gia và các cơ sở đào tạo, song một số điểm mới trong quy chế của Bộ GD-ĐT vẫn gây tranh cãi. Chẳng hạn như không chấp nhận các chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn châu Âu, hoặc để được đăng ký đánh giá luận án, nghiên cứu sinh phải có 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó một bài đăng trên Tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus. ...

Một bản quy chế mới tất nhiên còn nhiều ý kiến khác nhau, cần bổ sung, chỉnh sửa, mục đích quan trọng nhất được xã hội kỳ vọng là sẽ tạo một bước ngoặt lớn nâng chuẩn tiến sĩ Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới, không để “vàng thau lẫn lộn”.