Không cứu người bị nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Hiện nay, có hiện tượng khi phát hiện có người tự tử, bị đuối nước hoặc gặp các sự cố có nguy cơ dẫn đến tử vong nhưng nhiều người chỉ tập trung đứng xem, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội hoặc “livestream” mà không ra tay cứu giúp hoặc kêu gọi mọi người cứu giúp. Nhiều trường hợp có hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Vậy việc không cứu người bị nạn pháp luật có xử lý hình sự không, thưa luật sư? Tạ Hữu Minh (Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội)

Không cứu người bị nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ảnh 1

Làm ngơ, không cứu giúp người bị nạn không chỉ là sự vô cảm, thiếu tình người mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời: Không cứu giúp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được hiểu là hành vi thấy người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp người bị nạn. Hiện nay, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này được quy định tại Điều 132, Bộ luật Hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như sau:

“1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.”

Luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh (Phòng 305 - Tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Căn cứ theo quy định trên, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này cần phải thỏa mãn những dấu hiệu sau:

- Người phạm tội đã nhìn thấy có người bị tai nạn hoặc trong trường hợp khác đang bị nguy hiểm có thể dẫn đến bị chết nhưng đã có hành vi không thực hiện (không hành động gì) việc cứu giúp nạn nhân. Tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là tình trạng của người mà mạng sống của họ đang bị đe dọa, cần phải có sự cứu giúp (cấp cứu hoặc giúp đỡ) của người khác ngay lập tức mà nếu không có sự cứu giúp kịp thời thì có thể dẫn đến hậu quả người đó bị chết.

- Người phạm tội phải là người có điều kiện để cứu giúp nạn nhân: Nghĩa là họ có đủ khả năng về chuyên môn cũng như về vật chất hoặc những điều kiện cần thiết khác để thực hiện việc ngăn chặn hậu quả chết người xảy ra, nhưng họ đã không hành động, tức không cứu giúp người bị nạn như nêu trên. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

- Về hậu quả: Hậu quả chết người phải là hệ quả tất yếu của hành vi không cứu giúp người bị nạn như nêu trên. Đây cũng là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Nếu hậu quả người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng không chết thì hành vi của người không cứu giúp chưa cấu thành tội phạm và sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.