Không có chuyện rượu khử liên cầu khuẩn lợn

ANTD.VN - Thông thường cứ vào thời điểm này hàng năm, số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm nói chung, do liên cầu khuẩn lợn nói riêng lại gia tăng. Các dịch bệnh như sởi, cúm, rubella… cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. 

Trao đổi với báo chí sáng 11-11, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, vào dịp Tết và giao mùa đông xuân, mối lo lớn nhất là các bệnh do đường ăn uống gia tăng.

Không có chuyện rượu khử liên cầu khuẩn lợn ảnh 1PGS.TS Trần Đắc Phu 

- Gần đây, số bệnh nhân mắc liên cầu lợn nhập viện tăng khá mạnh, bên cạnh đó là sự gia tăng bệnh nhân ngộ độc rượu. Đây có phải là mối lo lớn nhất thời điểm này, thưa ông?

- Có thể nói các bệnh liên quan đến thực phẩm luôn là một trong những nguy cơ rất lớn vào thời điểm Tết Nguyên đán hàng năm. Riêng về bệnh liên cầu khuẩn lợn, cứ vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, số bệnh nhân phải nhập viện lại tăng. Tuy tổng số bệnh nhân mắc không nhiều như các bệnh khác nhưng tỷ lệ ca nặng, tử vong lại rất lớn. Hà Nội đã ghi nhận hơn chục ca mắc, 1 ca tử vong, nhiều ca bị di chứng nặng…

Nguyên nhân một phần do đặc điểm dịch tễ là dịch bệnh trên đàn lợn nuôi có xu hướng di chuyển, bùng phát, lây lan nhiều hơn, dẫn đến virus lưu hành trên đàn lợn nuôi chiếm tỷ lệ cao hơn. Song quan trọng nhất là nhiều người dân vẫn không từ bỏ thói quen ăn tiết canh, các sản phẩm tươi sống chế biến từ thịt. Nhiều người còn chủ quan, thậm chí nhận thức sai lầm về loại bệnh này. Vẫn có nhiều người nghĩ cứ vô tư ăn tiết canh rồi uống vài chén rượu thì sẽ không mắc bệnh. Nhiều người khác lại nghĩ rằng chỉ mổ thịt lợn ốm, lợn bệnh, lợn không rõ xuất xứ mới mắc liên cầu, còn lợn nhà nuôi hay lợn mán, lợn rừng thì vô tư. Đây là những sai lầm rất lớn. Thực tế ngay đầu tháng này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 1 bệnh nhân nguy kịch do làm thịt, ăn tiết canh lợn mán. 

- Năm nào vào dịp Tết, các bệnh do ăn, uống cũng gia tăng. Vậy có giải pháp gì để phòng, chống hiệu quả hơn?

- Đã là thực phẩm không an toàn thì chúng ta hoàn toàn có thể cấm được và nên có các biện pháp đủ mạnh để kiểm soát. Dù vậy, quan trọng nhất vẫn là phải nâng cao ý thức của người dân.

Không có chuyện rượu khử liên cầu khuẩn lợn ảnh 2Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh

Ăn tiết canh, gỏi, hay ăn thịt gia cầm ốm, chết… thì chắc chắn ai cũng biết không tốt cho sức khỏe, có thể mắc bệnh. Vậy tại sao biết rồi người ta vẫn ăn? Vấn đề là phải tiếp tục truyền thông nguy cơ để nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh của người dân. Vì thế, một trong những giải pháp trọng tâm về phòng, chống dịch bệnh mà chúng tôi sẽ triển khai trong thời gian tới là đẩy mạnh truyền thông nguy cơ. 

- Thời điểm giao mùa đông xuân cũng là lúc có rất nhiều dịch bệnh đe dọa bùng phát, thưa ông?

- Vào thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, giao lưu của người dân rất lớn, tiêu dùng thực phẩm tăng, cộng thêm yếu tố thời tiết chuyển mùa ẩm ướt là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, lây lan. Cũng vì thế, các dịch bệnh do tiếp xúc, ăn uống hay bệnh do thời tiết chắc chắn sẽ diễn biến phức tạp. Các bệnh, dịch bệnh dễ bùng phát nhất trong thời điểm này là cúm, cúm gia cầm, sởi, rubella, thủy đậu, quai bị... Những đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ rất dễ nhiễm bệnh. 

Bên cạnh đó, những bệnh, dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, Zika cũng vẫn đang diễn biến “nóng”. Việt Nam đến nay đã ghi nhận hơn 200 ca nhiễm virus Zika tại 11 tỉnh, thành phố, qua lấy mẫu xét nghiệm của 205 bà mẹ mang thai cũng đã phát hiện có 28 ca dương tính với virus này. Còn dịch sốt xuất huyết trong năm 2016 có số mắc tăng, cả nước ghi nhận hơn 110.800 ca (tăng 1,9% so với năm 2015), với 36 ca tử vong. Chúng ta không được phép chủ quan với các loại dịch bệnh này.