Không chủ quan với bệnh suy giãn tĩnh mạch

ANTĐ - Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý suy giảm chức năng đưa máu về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại không lưu thông đúng như chức năng vốn có của nó. Theo lý thuyết, suy tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào của cơ thể nhưng thực tế phần lớn các trường hợp thường xảy ra ở chân vì hệ thống tĩnh mạch chi dưới dài hơn, phức tạp hơn, nhất là nó phải chịu ảnh hưởng của trọng lực khi bệnh nhân đứng nhiều.

PGS.TS Đinh Thị Thu Hương, nguyên Phó Giám đốc Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, đến nay, chưa có một thống kê đầy đủ về loại bệnh này nhưng theo dự đoán của các chuyên gia y tế, bệnh sẽ gia tăng cùng sự phát triển của kinh tế và thay đổi nếp sống. Bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là ở nữ giới, nhân viên văn phòng. Thế nhưng, hiện nay, số người trẻ đến khám vì bệnh này rất ít, có thể do họ không có thời gian nhưng cũng có thể do chủ quan hay không biết bệnh.

“Rất nhiều chị em khi có thai, sinh con bị phù chân. Theo dân gian, các cụ thường gọi đó là xuống máu chân. Tuy nhiên, về khoa học, đó là hiện tượng cản trở tuần hoàn tĩnh mạch, là một trong các dấu hiệu của bệnh suy tĩnh mạch chân. Ngoài ra, nhiều người có cảm giác “dòi bò”, “kiến bò” trong xương vào buổi tối hoặc chiều tối, râm ran khó chịu thì nghĩ bị thiếu canxi, hoặc thoái hóa khớp… đi khám xương khớp nhưng không phát hiện ra căn nguyên bệnh” - PGS Định Thị Thu Hương cho biết.

Suy giãn tĩnh mạch có các dấu hiệu có thể nhận biết bằng mắt thường là các tĩnh mạch giãn xanh đỏ dưới da, kích thước khác nhau, có thể nằm rải rác hay tập trung thành một đám. Ở giai đoạn đầu chỉ thấy tĩnh mạch nổi li ti nhất là ở cổ chân và bàn chân. Lâu ngày các tĩnh mạch này sẽ nổi rất to, giãn to ngoằn ngoèo, có khi giãn hơn 10mm, ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ. Có trường hợp chân không có tĩnh mạch giãn hay giãn ít nhưng biểu hiện bệnh bằng dấu hiệu khác là phù chân. Phù thường xuất hiện vào buổi chiều hay sau khi đứng một lúc.

Ngoài ra, khi gặp các biểu hiện phù kèm nặng chân, đau chân, cứng tê chân, chuột rút, “kiến bò” trong xương vào thời điểm chiều tối, cần đi khám chuyên khoa mạch máu bởi có thể bạn mắc bệnh suy tĩnh mạch chân. Nếu để lâu, tình trạng này sẽ có thể gây biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân gặp tình trạng loét, ban đầu loét chân có thể tự lành, sau đó bệnh tiếp tục tiến triển, các vết loét không tự lành mà có nguy cơ nhiễm trùng, điều trị rất phức tạp.

Đối tượng nguy cơ cao gặp bệnh lý suy tĩnh mạch chân là người cao tuổi, người làm nghề phải ngồi nhiều, đứng nhiều, những người béo phì, phụ nữ sinh đẻ liên tiếp, thai phụ… Các chuyên gia y tế khuyên để dự phòng bệnh, không nên ngồi một chỗ liên tục mà phải xen kẽ vận động cơ thể, xoay các khớp cổ chân, tay. Người bị suy giãn tĩnh mạch nên đi bộ, đi xe đạp, bơi lội là những môn thể thao di chuyển linh hoạt ở cổ chân, sẽ giúp cho việc hồi lưu máu tĩnh mạch từ chân về tim được dễ dàng hơn và làm giảm các triệu chứng lâm sàng. Khi ngồi hoặc ngủ nên gác chân lên cao.