Khổ vì phí vô lý

ANTD.VN - “Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính đã đạt được một số kết quả, đã làm được một số việc cho người dân bớt khổ, doanh nghiệp bớt phiền hà. Nhưng chúng ta vẫn còn để nhiều tiếng kêu quá”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp về cải cách hành chính mới đây. 

Một trong những tiếng kêu của cộng đồng doanh nghiệp là chi phí vận tải lên tới 70 loại, trong đó có nhiều phí vô lý như phí kiểm tra chuyên ngành, phí đăng kiểm, phí “bôi trơn” khi nộp thuế…

Dường như các doanh nghiệp đều đồng thanh kêu rằng cơ quan quản lý tìm mọi cách để thu phí doanh nghiệp. Họ bắt doanh nghiệp phải chạy ngược, chạy xuôi nộp quá nhiều hồ sơ, chứng từ, có loại không cần thiết vẫn “hành” doanh nghiệp phải photo công chứng. Đặc biệt là thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục tại các trạm đăng kiểm độc quyền là nỗi kinh hoàng đối với các doanh nghiệp ngành vận tải.

Tình trạng chầu chực xếp hàng chờ đợi để vượt qua những “cửa ải” thủ tục diễn ra ở nơi này, nơi khác, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu nói thẳng rằng, chi phí kinh doanh tăng là chuyện quen thuộc, giảm mới là chuyện lạ. Đủ các loại phí không tên, không ai đo đếm được. 

Trong khi đó, ở các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã xây dựng chính quyền điện tử để giảm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Sự hài lòng của doanh nghiệp là thước đo chuẩn xác đánh giá tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả của bộ máy, cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng như vấn đề “nóng” về chi phí BOT trên các tuyến đường hiện nay, các doanh nghiệp vận tải và nhiều chuyên gia kiến nghị: Để giảm gánh nặng phí, chi phí đè lên doanh nghiệp, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể giám sát được. Chỉ cần lắp đặt hệ thống đếm xe tự động, công khai doanh thu trên internet để cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp theo dõi, giám sát rõ ràng. Ngay cả những khuất tất, “đi đêm” giữa doanh nghiệp và một số cán bộ biến chất để “lọt lưới” phương tiện cũng cần phải có “mắt thần” giám sát.

Đó chính là chế tài mạnh để đưa những cán bộ thoái hóa ra khỏi bộ máy hành chính. Người đứng đầu Chính phủ tỏ rõ thái độ quyết liệt yêu cầu Bộ Nội vụ lập tổ công tác phối hợp cùng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính của Văn phòng Chính phủ kiểm tra việc thực thi công vụ của một số nhóm đối tượng bị phát hiện có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp. Sau đó, xử lý nghiêm, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông.

Cộng đồng doanh nghiệp có cơ sở để đặt niềm tin: Khi hàng trăm thứ phí lâu nay đè nặng trên lưng được trút bỏ, họ không chỉ dễ thở mà còn có sức bật mạnh mẽ, vươn lên, trụ vững và cạnh tranh.