Khi sử dụng ma túy, đánh ghen, đòi nợ thuê được livestream trên mạng xã hội

ANTD.VN -Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, ngày càng có nhiều người coi đây là nơi chia sẻ mọi hoạt động trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, từ đi đâu, làm gì, gặp ai, ăn món nào…tất cả đều được tung lên mạng. Thậm chí, không ít cá nhân còn livestream (phát trực tiếp) cảnh sử dụng ma túy, đi đòi nợ thuê, đánh ghen…lên Facebook.

Dùng ma túy, đòi nợ thuê cũng livestream

Cách đây không lâu, tại một quán karaoke ở TP. Đà Nẵng, Trần Võ Phương T (22 tuổi) trú tại TP.Hội An đã rủ bạn cùng sử dụng ma túy, đồng thời công khai livestream trên facebook cá nhân. Sau khi được đăng tải, đoạn clip đã gây xôn xao cộng đồng mạng, chỉ sau một thời gian ngắn có hàng nghìn lượt người bình luận và chia sẻ.

Tại cơ quan công an, T khai nhận từ TP.Hội An ra TP.Đà Nẵng làm tiếp viên trong các quán karaoke. Do buồn bã vì một số chuyện, T đã rủ bạn cùng sử dụng ma túy rồi phát trực tiếp trên mạng xã hội. T cũng khẳng định việc làm trên nhằm giải tỏa nỗi buồn, đây chỉ là những phút giây bồng bột, đồng thời tỏ ra hối hận về việc làm này. 

Không chỉ livestream khi sử dụng ma túy mà một số đối tượng còn phát trực tiếp cảnh đi đòi nợ thuê lên mạng xã hội.

Tình trạng đối tượng đòi nợ thuê uy hiếp, đe dọa con nợ ngày càng diễn biến phức tạp (ảnh minh họa)

Mới đây, một nhóm đối tượng được một phụ nữ ủy quyền đòi nợ ông Vũ Văn Đ tại thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang với tổng số tiền cả gốc, lãi gần 40 tỷ đồng.

Sau khi tới nhà ông Đ, các đối tượng liên tục dùng những lời lẽ lăng mạ ông Đ, trải chiếu ngồi ăn uống luôn tại đây, lập bàn thờ, thắp hương, rải vàng mã xung quanh cổng, treo băng rôn, khẩu hiệu, bức trướng và bật nhạc đám ma thậm chí còn đem theo một quan tài.

Trong lúc thực hiện các hành vi trên, nhóm đối tượng còn hô hào, lôi kéo, kích động và tiến hành phát trực tiếp những hình ảnh lên mạng xã hội cùng với thái độ thách thức lực lượng chức năng.

Trên đây chỉ là vài ví dụ trong hàng loạt vụ livestream trên mạng xã hội về đòi nợ thuê, khoe thân, sử dụng ma túy, thậm chí cả đánh ghen...diễn ra trong thời gian qua. Hầu hết những đối tượng thực hiện hành vi này không nhận thức được đầy đủ về hậu quả do việc làm của mình gây ra và hình phạt mà họ có thể phải đối diện. Điều này cũng cho thấy sự ngông ngênh coi thường phát luật của một số cá nhân.

Livestream hành vi vi phạm pháp luật có thể phải ngồi tù

Đối với trường hợp sử dụng ma túy của Trần Võ Phương T, Công an TP.Đà Nẵng đã tiến hành xử phạt hành chính lưu hồ sơ quản lý đối tượng này.

Còn về vụ livestream mang quan tài đi đòi nợ thuê ở huyện Bắc Quang, nhận định đây là vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, gây mất trật tự xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cũng như xâm phạm chỗ ở của người khác, gây hoang mang, bức xúc trong quần chúng nhân dân. Do đó, CAH Bắc Quang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 6 đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến các vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, những hình ảnh, sự việc được phát trực tiếp qua mạng xã hội có thể coi là là nguồn tin ban đầu để cơ quan chức năng tiến hành xác minh, điều tra và xử lý đối tượng nếu họ có hành vi vi phạm phát luật.

Cụ thể, về hành vi sử dụng trái phép các chất ma túy theo BLHS 2015 sửa đổi, đây không bị coi là tội phạm. Do đó, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử phạt hành chính. Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Còn về hành vi đòi nợ thuê, thời gian qua một số đối tượng đòi nợ thuê đã sử dụng dụng hình thức bạo lực hoặc các thủ đoạn khác để gây sức ép lên tinh thần và tính mạng của con nợ nhằm mục đích là đòi được nợ. 

Đây là các hành vi cố ý gây tổn thương tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Và những người thực hiện các hành vi này, tùy vào mức độ, tính chất có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội trong BLHS 2015: Tội đe dọa giết người (Điều 133); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 134); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội cướp tài sản (Điều 168) hoặc Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170).

Như vậy, khi livestream những hành vi vi phạm pháp luật của chính mình và đồng bọn lên mạng xã hội, người thực hiện sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị rơi vào vòng lao lý, nhẹ thì bị xử lý hành chính, nặng thì xử lý hình sự, chưa nói đến việc những hành vi này sẽ để lại nhiều hệ lụy về mặt xã hội. Do đó, mỗi cá nhân cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, đặc biệt là khi sử dụng mạng xã hội.