Khi người chuyển giới bị kỳ thị ở công sở

ANTD.VN - Những người chuyển giới gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ công cộng, chăm sóc y tế, sức khỏe, công việc. Không ít người chuyển giới vì không kiếm được việc làm phù hợp đã phải chấp nhận những việc làm thậm chí là phi pháp, đó chính là mặt trái của sự kỳ thị.

Có bằng cấp, trình độ cũng khó xin việc

Người chuyển giới thường gặp khó khăn ngay trong môi trường học tập, vì vậy rất nhiều người trong số họ không được học hành đến nơi đến chốn, dẫn đến khó khăn trong tìm việc làm. Tuy nhiên, ngay cả những người có trình độ học vấn cao vẫn gặp sự kỳ thị trong khi tiếp cận việc làm.

Chu Thanh Hà (Đống Đa, Hà Nội), một người chuyển giới nam, hiện đã tốt nghiệp đại học với trình độ ngoại ngữ tốt nhưng khi mang hồ sơ đi xin việc, thay vì tập trung vào năng lực, các nhà tuyển dụng lại tỏ ra tò mò, thậm chí ác cảm về giới tính của Hà. “Sau khi tốt nghiệp, em làm 10 bộ hồ sơ xin việc và chọn một tấm ảnh chân dung trung tính nhất, cố gắng không để nhà tuyển dụng khó chịu.Tuy nhiên khi đi phỏng vấn, tất cả nhà tuyển dụng đều ngạc nhiên vì hình ảnh, giới tính và cách thể hiện bên ngoài của em quá khác nhau” - Hà kể.

Kết quả, các yêu cầu của nhà tuyển dụng Hà đều đạt và được đánh giá cao, nhưng cuối cùng tất cả các công ty đều không nhận vì cô không chấp nhận thay đổi cách ăn mặc. “Có công ty thì nói em ăn mặc không phù hợp với công ty, nếu em chấp nhận mặc váy đồng phục thì công ty sẽ nhận. Có công ty thì nói em có kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức liên quan đến cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) thì tốt nhất quay lại cộng đồng làm, vì khách hàng sẽ không chấp nhận một người như em”.

Cuối cùng, Hà quyết định xin việc trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, vì nghĩ nơi đó họ sẽ dễ chấp nhận những người như mình, nhưng vấn đề gặp phải vẫn là sự phân biệt đối xử. “Mặc dù cơ thể nhỏ bé nhưng em luôn cố gắng làm những việc nặng nhọc để chứng minh mình, nhưng họ vẫn có sự phân biệt, ví dụ như không cho em phục vụ những khách Vip, trả mức lương thấp hơn so với những người cùng công việc, thời gian làm việc…” - Hà cho biết. Sau rất nhiều cố gắng Hà cũng được nhận làm phó quản lý quầy bar trong một khách sạn, mọi người tại nơi làm việc cũng cởi mở hơn, nhưng Hà vẫn gặp khó khăn trong những vấn đề tế nhị khác. 

“Chẳng hạn chuyện nhà vệ sinh và khu vực thay đồ, vì không có chỗ dành riêng cho những người như em. Mới đầu em dùng nhà vệ sinh nữ, nhưng khách hàng, đặc biệt là khách hàng lớn tuổi khi nhìn thấy em thì đuổi và chửi là đồ biến thái. Em sợ quá chuyển sang nhà vệ sinh nam, nhưng lại bị khách nam trêu chọc. Không còn cách nào khác em phải đợi đến giờ vắng khách mới dám đi vệ sinh”. Cuối cùng, Hà cũng tìm được một công việc phù hợp trong một tổ chức phi Chính phủ với những dự án liên quan đến người LGBT. 

Cũng như Hà, Hoàng Anh Nguyên (quê Lào Cai), một người chuyển giới nam cũng chỉ tìm được việc làm tốt nhất khi làm việc cho các tổ chức liên quan đến quyền người LGBT. Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyên xuống Hà Nội xin việc nhưng hầu như không có doanh nghiệp nào chấp nhận một người giới tính nữ nhưng ăn mặc, phong cách như đàn ông. Để có tiền trang trải cuộc sống, Nguyên đã chấp nhận xin những công việc lao động chân tay như bồi bàn hay rửa bát, nhưng không phải đã được chấp nhận: “Em xin đi làm bồi bàn, rửa bát, nhưng chỗ thì chê em bé quá, không nhận, chỗ nhận thì trả lương rất thấp, chỉ được 10.000 đồng/giờ” - Nguyên kể. 

Đến tháng 12-2012, Nguyên quay về Lào Cai xin việc trong một cơ quan Nhà nước, nhưng cho dù với trình độ chuyên môn và bằng cấp cũng như phần thi phỏng vấn tốt, thậm chí “nhỉnh” hơn các ứng viên khác, cuối cùng Nguyên vẫn bị loại không rõ lý do. Nguyên lại xuống Hà Nội thi tuyển vị trí thực tập sinh tại một viện nghiên cứu và được nhận, cùng với đó Nguyên nhận dọn nhà thuê và trông chó mèo để kiếm thêm thu nhập. Hiện tại Nguyên đang học tiếng Anh để chuẩn bị du học theo một học bổng của Chính phủ Úc cấp.

Cần tôn trọng sự đa dạng

Hiện ở Việt Nam, đã bắt đầu có một số doanh nghiệp quan tâm đến quyền bình đẳng của người LGBT trong vấn đề việc làm. PwC - một doanh nghiệp đa quốc gia liên quan đến lĩnh vực kiểm toán, thuế là một trong số ít những doanh nghiệp như vậy.

“PwC luôn tôn trọng và đề cao sự khác biệt. Chính vì vậy, chúng tôi đã xây dựng một chương trình hoạt động riêng mang tên “Đa dạng và Bình đẳng” (Diversity and Inclusion). Chúng tôi đã tham khảo ý kiến nhân viên xem họ muốn chương trình “Đa dạng và Bình đẳng” tập trung vào những lĩnh vực nào và nhiều người đã đề xuất LGBT. Sau khi cân nhắc những vấn đề nhạy cảm liên quan, chúng tôi thấy rằng không nên ngần ngại mà cần phải cởi mở với mọi vấn đề liên quan tới đa dạng và bình đẳng. Vì vậy, chúng tôi đã triển khai những hoạt động về LGBT và được nhân viên cũng như đối tác hưởng ứng một cách tích cực” - ông David Fitzgerald - Phó Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam cho biết.

Lý giải việc nhiều doanh nghiệp Việt và thế giới vẫn kỳ thị với người LGBT, ông David cho rằng, một trong những nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về LGBT. “Nếu một nhà tuyển dụng loại những ứng viên vì một đặc điểm nhất định nào đó thì cũng đồng nghĩa với việc họ đang tự hạn chế cơ hội tuyển dụng được những người giỏi. Chính vì vậy, chương trình “Đa dạng và Bình đẳng” của chúng tôi hướng tới sự đa dạng trong tuyển dụng. Chúng tôi luôn đón nhận và coi trọng những nhân viên có quan điểm khác biệt, có thể mang lại cho doanh nghiệp những kinh nghiệm và góc nhìn mới mẻ”. 

Tương tự PwC, KPMG - cũng là một doanh nghiệp đa quốc gia trong lĩnh vực kiểm toán, thuế cũng đề cao một văn hóa doanh nghiệp đa dạng và toàn diện. “Đó là lý do tại sao chúng tôi đã xây dựng một mạng lưới cho nhân viên có tên là “Pride@KPMG” dựa trên nền tảng tại KPMG, mọi người được hoàn toàn là chính mình. Ý tưởng này được khởi nguồn từ Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, ông Warrick Cleine và nó cũng bắt nguồn từ những giá trị cốt lõi của chúng tôi, đó là “Tôn trọng mỗi cá nhân”, bất kể họ là ai hay người mà họ chọn để yêu thương là ai.

Đây là một chủ đề thường không được thảo luận cởi mở tại Việt Nam, đặc biệt trong môi trường doanh nghiệp, nhưng tại KPMG chúng tôi rất tự hào khi mạnh dạn đứng lên và trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong ủng hộ vấn đề này cho toàn bộ nhân viên, khách hàng của mình và toàn bộ cộng đồng nói chung” - ông Paul Huynh - Trưởng đại diện KPMG Việt Nam cho biết.

Nói về tác động của việc tạo môi trường bình đẳng cho người LGBT, ông Paul Huynh cho rằng không có số liệu đo lường cụ thể, “nhưng tôi cho rằng khi chúng ta tạo điều kiện để mọi người được là chính mình, một cách hiển nhiên họ sẽ có nhiều cơ hội để khám phá ra tất cả tiềm năng bên trong. Việc còn mơ hồ về giới tính khiến nhiều nhân viên mất nhiều thời gian và công sức, đồng thời cản trở việc khơi dậy toàn bộ khả năng của mình. Ở KPMG, việc phát triển văn hóa doanh nghiệp theo hướng toàn diện và đa dạng được chúng tôi coi là một lợi thế cạnh tranh của mình”.

Với mục đích kêu gọi sự bình đẳng cho người LGBT trong việc tiếp cận và môi trường làm việc, năm nay chiến dịch bình đẳng công sở Work With Pride sẽ là một hoạt động quan trọng tại sự kiện Viet Pride 2016 (sự kiện thường niên dành cho cộng đồng LGBT Việt Nam) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19 đến 21-8 tới. Nguyễn Thanh Tâm, người sáng lập Viet Pride cho rằng đã đến lúc xã hội cần có cái nhìn công bằng với những người LGBT, không chỉ tạo cho họ cơ hội phát triển các thế mạnh của mình mà còn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, xã hội. 

Ông Cas van der Horst - Phó đại sứ Hà Lan, một trong những nhà tài trợ sự kiện thì cho rằng: “Các công ty nên đảm bảo một môi trường bình đẳng cho nhân viên của mình thấy được thoải mái, vì khi đó họ sẽ cống hiến được tốt hơn, đóng góp cho sự đa dạng của doanh nghiệp. Và khi các công ty đảm bảo tính đa dạng thì tập thể đó sẽ trở thành một tập thể với nhiều sáng kiến”.