Khi mái ấm hết bình yên

ANTĐ - “Chừng nào phụ nữ bị bạo lực chưa có đủ niềm tin vào sự trợ giúp của chính quyền, cộng đồng thì bạo lực còn lấn tới” - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết - Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ (Bệnh viện đa khoa Đức Giang - Hà Nội) cho biết tại Hội thảo Gia đình từ góc nhìn Ngôi nhà Bình yên do Trung tâm phát triển phụ nữ (Hội LHPN Việt Nam) tổ chức ngày 27-6.

Bạo lực gia đình đang phá hủy hạnh phúc nhiều gia đình. Ảnh: Internet

Muôn mặt nỗi đau

Đến dự hội nghị, chị Nguyễn Bích H (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, chị đã bị chồng đánh suốt 15 năm, không kể thời gian, không biết lý do. Ngay cả nửa đêm, chồng chị cũng dựng vợ dậy đấm đạp, ngay trước mặt con, rồi đuổi chị ra vỉa hè. Lý do chỉ vì vợ có học, con nhà tử tế nhưng lại không làm ra nhiều tiền để chồng được là đại gia, có ô tô đi, có tiền đi chơi chọi gà. Chị H. cho biết, cho dù khổ cực, đau đớn, nhưng chị vẫn nhịn nhục vì muốn con có bố. Thậm chí nhiều lần, chị cũng đã đệ đơn ly hôn nhưng chồng lại năn nỉ, van xin, chị lại tha thứ. Năm 2002, sau một trận đòn chí tử của chồng, chị đã nhất quyết ly hôn. Tuy nhiên, sau 1 năm, chị lại nghe lời đường mật của chồng cũ, quay về chung sống không hôn thú với anh ta, cho dù gia đình ngăn cản. Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó, chị lại bị chồng hành hạ. Nhưng lúc đó, chị đang mang thai đứa con thứ 2, nên đành cắn răng chịu đựng. 

Chị về bên bố mẹ đẻ thì chồng về tận nơi, đập phá đồ đạc, mang xăng đến dọa đốt nhà vợ. “Khi tôi đi kêu cứu Hội phụ nữ phường, họ bảo tôi không đăng ký kết hôn thì không phải là bạo lực gia đình, không can thiệp được” – chị H. cho biết. Chị vẫn gồng mình chịu đựng đòn thù của chồng. Từ năm 2009-2012, chị và các con đã phải chuyển nơi ở 5 lần. Con lớn thường xuyên bị đón đường dọa nạt, đánh chửi. Cháu bị mất ngủ triền miên. Đứa con gái 4 tuổi, sợ bố đến chết lặng, đêm đêm quay mặt vào tường khóc thầm. 

Nhưng một ngày, chị kinh hoàng phát hiện ra con trai để cả dao dưới đệm, bảo mẹ nằm vào trong còn mình nằm ngoài “bảo vệ” mẹ và em. Khi đi học, cháu cũng mang theo dao, mang cả bông băng theo, chỉ để “nếu bố đánh, con sẽ tự bảo vệ, còn nếu con bị thương con sẽ sẵn sàng cứu chữa cho mình”. “Những lời nói của con như ngàn mũi dao đâm chích lên da thịt tôi, đau hơn bao giờ hết. Tôi hiểu ra rằng, nếu tôi tiếp tục chịu đựng, tôi sẽ làm hại con tôi, biến cháu thành một kẻ thích bạo lực, thậm chí sẵn sàng giết bố đẻ mình” – chị H. nói trong nước mắt. 

Nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, chị đã tìm đến Ngôi nhà Bình yên (Trung tâm phụ nữ -Hội LHPN Việt Nam), xin được trợ giúp. Chị và con đã ở trong đó nhiều tháng, được khám sức khỏe, tư vấn tâm lý, trợ giúp kiến thức. Đến đây, chị H. mới hiểu rằng, mình có quyền sống yên bình, hạnh phúc, rằng bỏ chồng để bảo vệ các con không phải là xấu. Chị đã có đủ nghị lực để bảo vệ và chăm lo cho các con. Các con chị cũng đã đỡ căng thẳng, sống vui vẻ hơn. 

Câu chuyện của chị Nguyễn Bích H. chỉ là một trong gần 380 số phận (trong đó 1/3 là trẻ em) chịu bạo lực đã và đang tá túc ở Ngôi nhà Bình yên. 82% trong số họ bị chồng đánh, 18% còn lại bị các thành viên khác trong gia đình (bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ, anh em hành hạ). Không ít cụ già 70-80 tuổi vẫn bị con cháu đánh. Có em bị quấy rối tình dục bởi bố đẻ, bố dượng… Mỗi cuộc đời đều chứa chan trong máu và nước mắt. 

Cần giúp cả người gây bạo lực

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thúy – Trưởng phòng Tham vấn và hỗ trợ (Ngôi nhà Bình yên - NNBY), trong số 230 phụ nữ được trợ giúp thì 84% là kết hôn hợp pháp, 8% sau ly hôn vẫn bị chồng cũ đánh, 2% chung sống không kết hôn. Tuy nhiên, có đến 89% phụ nữ đang sống với chồng bị cùng lúc cả ba loại bạo lực (thể chất, kinh tế, tình dục), còn những người chưa có hôn thú thì bị bạo lực “nhẹ nhàng” hơn hoặc chỉ bị 1 loại. Tỷ lệ phụ nữ bị BLGĐ từ 5 năm trở lên cũng rất cao - 38%. “Phụ nữ bị bạo lực đang bị chính cuộc hôn nhân của mình “đeo gông cùm” khiến họ không dám tự giải phóng. Họ luôn giằng xé về việc cần giữ hôn nhân cho con có bố, vì tình nghĩ vợ chồng, thể diện của bố mẹ” – bà Thúy cho biết. 

Bạo lực cũng diễn ra với tất cả các lứa tuổi, trình độ. Có đến 21% phụ nữ mù chữ hoặc học tiểu học bị BLGĐ. Nhưng cũng có tới 18% phụ nữ có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học vẫn hứng chịu bạo lực. Các chị em có trình độ cao, hiểu biết, độc lập về kinh tế, hoàn toàn không lệ thuộc vào chồng nhưng họ lại có nhiều sĩ diện, không dám phơi bày mặt xấu của gia đình cho người khác biết. 61% phụ nữ còn lại bị bạo lực vì phải gánh vác quá nhiều vai trò trong gia đình (làm mẹ, làm vợ, lo kiếm tiền, chăm sóc gia đình… ). 

Theo đánh giá của bà Thúy, sự giúp đỡ của NNBY tuy rất hiệu quả nhưng so với nhu cầu trợ giúp của người bị bạo lực chẳng khác nào “muối bỏ biển”. “Nhiều chị em gọi điện cho chúng tôi cho biết, tuy họ rất muốn được trợ giúp nhưng họ ở quá xa, không thể bỏ con cái, công việc đến NNBY được”. Bà Thúy cho rằng cần phải mở thêm nhiều NNBY nữa để trợ giúp cho người bị bạo lực. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của bà Thúy, nếu mỗi người chỉ lưu trú lại NNBY từ 1-3 tháng thì không đủ thời gian để được trợ giúp tâm lý, nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng chống BLGĐ. Những người ở từ 1-3 tháng thì khả năng thoát khỏi cảnh bạo lực là rất thấp. Mỗi người cần ở lại khoảng 6 tháng mới thành công. 

GS.TS Đặng Cảnh Khanh – Viện trưởng Viện nghiên cứu thanh niên cho biết, để can thiệp phòng chống BLGĐ hiệu quả, cần phải  tập hợp cả người gây bạo lực và người bị bạo lực lại làm việc chung với nhau, cùng phân tích nguyên nhân và tự tìm ra giải pháp cho chính họ, ngay tại địa phương của họ. Như vậy mới là giải pháp lâu dài và bền vững. Ngay cả người gây bạo lực cũng nên được nhìn nhận như đối tượng “cần được giúp đỡ” để họ biết cách giải quyết mâu thuẫn, từ bỏ tệ nạn, có việc làm ổn định…