Khi lái xe công nghệ mắng chửi, hành hung khách hàng

ANTD.VN -Sau một thời gian đi vào hoạt động, bên cạnh những ưu điểm nổi trội, dịch xụ “xe ôm”, taxi công nghệ đã bộc lộ không ít hạn chế. Vụ việc lái xe ôm công nghệ dùng hung khí đâm người đi đường trọng thương mới xảy ra gần đây là một ví dụ khiến nhiều khách hàng bất an.

Vô số rủi ro

Mới đây, CAQ 1, TP.HCM đã tạm giữ hình sự Trương Văn Thành  - (SN 1988, ở quận 7) - lái “xe ôm” công nghệ để điều tra về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Nguyên nhân là do chiều 11-9, Thành điều khiển xe máy lưu thông trên cầu Nguyễn Văn Cừ, hướng từ quận 4 về quận 1 thì xảy ra va chạm với xe máy do anh Tạ Duy T (SN 1992, quê Hà Nội) đi cùng chiều.

Thấy Toản bỏ đi, Thành đã lên xe máy đuổi theo rồi dùng tay đánh vào mặt của T rồi bỏ chạy. Đến giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo (phường Cầu Kho, quận 1), T dùng 1 thanh gỗ đánh vào đầu Thành. Trong lúc xô xát, Thành dùng hung khí đâm anh T khiến người này ngã gục. Theo thông tin tin ban đầu, Thành đã từng có tiền án về tội cướp giật tài sản.

Dịch xụ “xe ôm”, taxi công nghệ ngày càng thu hút được đông đảo khách hàng (ảnh minh họa)

 Trước đó, một đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội đã ghi lại đoạn đấu khẩu giữa một lái xe taxi công nghệ và nữ khách hàng. Câu chuyện bắt đầu từ việc lái xe yêu cầu khách “lên xe mày chào tao, tao sẽ chào lại mày ngay...”. Song, hành khách cho rằng lái xe làm dịch vụ phải chào khách trước nên hai bên xảy ra tranh cãi. Kết thúc đoạn video, lái xe đã quay lại chỉ thẳng vào mặt hành khách lớn tiếng mắng mỏ.

Cách đây không lâu, một lái xe taxi công nghệ đã kiên quyết đuổi khách có con nhỏ xuống đường giữa trời mưa. Được biết, hành khách là hai vợ chồng anh N.X.T và cháu bé 4 tháng tuổi. Khi lái xe chở gia đình anh T đến đoạn hồ Ngọc Khánh - Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội thì tắc đường. Đi thêm một đoạn thì lái xe đã mở kính, tắt điều hòa nhưng vợ chồng anh T không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe cháu nhỏ. Song lái xe đã tỏ thái độ cáu gắt và kêu tắc đường bật điều hòa sẽ hỏng xe.

Đi thêm một đoạn nữa, lái xe đã yêu cầu vợ chồng anh T xuống xe, không chở nữa. Vì trời mưa to, anh T đã xin lái xe nhưng vẫn không được chấp thuận, thậm chí còn thách thức sẽ chở vợ chồng anh quay lại điểm đón. Cuối cùng vợ chồng anh T đành ôm con nhỏ xuống đi bộ.

Những sự việc trên đã khiến uy tín, hình ảnh của một số hãng “xe ôm”, taxi công nghệ xấu đi trong mắt người tiêu dùng, làm dấy lên nỗi lo về sự an toàn của loại hình dịch vụ này.

Chỉ khách hàng là người chịu thiệt ?!

Liên quan đến vụ lái “xe ôm” công nghệ có tiền án đâm người đi đường trọng thương, nhiều khách hàng bày tỏ sự nghi ngờ về quy trình tuyển dụng lái xe sơ sài của các hãng xe công nghệ. Chị Nguyễn Bích Hà ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội – một khách hàng có thâm niên đi “xe ôm” công nghệ 2 năm nay chia sẻ, từ khi có loại hình dịch vụ mới này chị  thấy rất yên tâm và cho rằng việc tuyển dụng lái xe của các hãng rất chặt chẽ, văn minh nên khách hàng rất tin tưởng. Nay nghe tin người đã từng có 2 tiền án cũng được tuyển dụng, chị Hà vô cùng hoang mang.

“Điều đáng nói là từ khi có “xe ôm”, taxi công nghệ, rất nhiều bậc phụ huynh cho con em mình sử dụng dịch vụ này. Chỉ cần một thẻ tín dụng và một cái điện thoại thông minh, trẻ có thể tự đi học, không cần  người thân đưa đón. Cha mẹ thì khá yên tâm vì tin rằng có thể theo dỗi được hành trình của con, nắm được tên tuổi của lái xe. Tuy vậy, trong trường hợp xảy ra các sự cố như lái xe có tính hung bạo, dễ nổi nóng, đuổi, mắng chửi hành khách khi họ không hài lòng,  khi đó những đứa trẻ sẽ phải đối phó ra sao” – chị Hà lo lắng.

Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, khi sử dụng dịch vụ, khách hàng chỉ biết gửi gắm lòng tin vào hãng xe mà không hề biết rằng các hãng chỉ cho thuê công nghệ. Khi tuyển dụng lái xe, có hãng yêu cầu nộp lý lịch tư pháp, đưa ra yêu cầu tuyển người không tiền án tiền sự, huấn luyện lái xe các quy tắc ứng xử song có hãng tuyển dụng  khá đơn giản, qua quýt. Khi có tranh chấp, đại diện của hãng sẽ tiếp nhận thông tin từ hai phía. Nếu lái xe là người có lỗi, hình phạt nặng nhất họ có thể phải đối diện chỉ là chấm dứt hợp đồng với lái xe. Các cơ quan chức năng sẽ thực hiện các bước xử lý tiếp theo căn cứ vào quy định hiện hành song sẽ mất khá nhiều thời gian. Nên xét cho cùng, phần lớn thiệt thòi thuộc về khách hàng.

Thời gian qua, bên cạnh Grab, hàng loạt ứng dụng gọi xe xuất hiện. Điều đáng nói là, không ít ứng dụng hoạt động khi chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, chưa được cơ quan Nhà nước cho phép hoạt động. Do vậy, nhằm bảo bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho hành khách khi sử dụng ứng dụng gọi xe công nghệ, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng ban hành các quy định cụ thể để quản chặt loại hình dịch vụ này.

 “Cần coi đơn vị cung cấp phần mềm như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Lái xe đăng ký sử dụng phần mềm sẽ thuộc quản lý của doanh nghiệp, phải đăng ký với cơ quan thuế và đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy, khi xảy ra rủi ro, lái xe phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên, đơn vị cung ứng phần mềm có nghĩa vụ liên quan” – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa đề xuất.