Khi cha mẹ già “khó ở”

ANTĐ - Cuộc sống hiện đại khiến khoảng cách thế hệ ngày càng nới rộng. Trong đó tuổi già kéo theo nhiều gánh nặng về bệnh tật và mệt mỏi tâm lý, dẫn đến “trở chứng” khiến con cháu rất khó chấp nhận. 
Khi cha mẹ già “khó ở” ảnh 1
Người cao tuổi nên tham gia các hoạt động phù hợp để “sống vui sống khỏe”

Phát khóc vì cha mẹ

Gia đình 3 thế hệ của anh Trần Văn Hà (quận Hai Bà Trưng) sống trong khu tập thể cũ. 5 năm nay, không khí gia đình trở nên u ám bởi bố anh sau 1 cơn đột quỵ đã bị liệt, mọi sinh hoạt đều tại chỗ. Tính cụ vốn vui vẻ, hòa nhã, bỗng nhiên thành ra cáu kỉnh, đòi hỏi đến mức quá đáng. Việc vệ sinh đều do vợ chồng anh cáng đáng nhưng cụ thường oái oăm, đòi ăn cháo lòng, tiết canh, mắm tôm, những thứ dễ đầy bụng, đi ngoài… Nhiều phen vợ anh phục vụ chẳng kịp, dọn vệ sinh, giặt chăn chiếu 2-3 lần/ngày. Nhưng cho ăn thanh đạm là cụ lại chửi mắng tiếc tiền, bất hiếu… Gian nhà tập thể hơn 70m2, trước đây cũng không quá chật nhưng giờ có người bệnh nằm một chỗ, mùi hôi hám lưu cữu, khiến người vừa bước vào đã nhăn mặt, bịt mũi. “Hai vợ chồng luôn sống căng thẳng. Vợ tôi vì khó chịu với bố mẹ chồng đâm ra giận tôi, lúc nào cũng muốn gây sự để “trút giận”. Mấy đứa con cũng không vui vẻ gì. Mỗi chiều nghĩ đến về nhà tôi đều ngao ngán” – anh Hà giãi bày. 

Nhiều bạn bè cũng gợi ý anh nên gửi bố mẹ vào trung tâm dưỡng lão để cải thiện chất lượng sống của cả gia đình  nhưng anh Hà không dám. Anh chia sẻ: “Bố mẹ tôi luôn coi nhà dưỡng lão như chỗ chờ chết mà các con bất hiếu tống bố mẹ vào cho rảnh nợ. Các cụ lúc nào cũng tâm niệm phải gần con gần cháu, phải chết trong nhà. Tôi làm sao có thể bảo đưa các cụ vào đó”.

Vẫn là xung đột giữa 2 thế hệ, chị Nguyễn Ngọc Anh (quận Ba Đình) lại ức chế chuyện khác. Mẹ chồng chị vốn là gái phố cổ, giữ nếp xưa nên thường xuyên bắt ne bắt nét con dâu phải thực hiện theo. Khổ nhất là chuyện nấu ăn. Đến bữa, chị Ngọc Anh phải mất hàng giờ để nấu nướng, bày biện, tỉa hoa để vừa ngon vừa đẹp mắt. Làm cỗ giỗ hay cúng rằm, cúng Giao thừa bao giờ cũng phải đủ món xào, nấu, rán mà đều phải tự tay làm. “Tôi về làm dâu 2 năm đã muốn phát điên vì nấu nướng. Giờ công việc rất bận, bản thân tôi cũng có những thú vui, sở thích riêng, nhưng mẹ chồng tôi hầu như không hiểu. Nếu tôi có tí “phản kháng” là lại phàn nàn với con trai. Anh ấy cũng đòi hỏi tôi phải “yêu chồng qua đường dạ dày”. Chẳng nhẽ lại bỏ chồng vì chuyện nấu ăn”- chị Ngọc Anh bức xúc. 

Thay đổi định kiến

Chị Lê Tiểu Bình là bà chủ Nhà Tuổi vàng (Linh Đàm) đã nhiều năm nay. Nơi này lúc nào cũng có từ 15-20 cụ già, được con cháu gửi đến. Tuổi trung bình của các cụ là 82, hầu hết khó khăn về vận động hoặc lú lẫn. Các cụ không chỉ được chăm sóc, nuôi dưỡng mà còn được khám bệnh tại nhà, cho uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. “Nhiều cụ bị tai biến, nằm liệt, không kiểm soát được vệ sinh. Có cụ lại lẫn, hoang tưởng, chửi mắng suốt ngày, còn đánh cả người phục vụ. Chúng tôi nhận lương, có nghề, quen việc có lúc còn mệt mỏi, nói gì đến con cháu ở nhà”. 

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cũng cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi quan niệm “già cậy con” bởi nếu bắt con cháu phải quanh quẩn phục vụ cha mẹ già yếu, ốm liệt thì con cháu sẽ mất cơ hội làm việc, thăng tiến và không còn thời gian, sức lực cho các việc khác. Có khác nào cha mẹ “làm khó” các con. Vì thế, người già nên tự lo cho mình, có điều kiện thì vào trung tâm dưỡng lão để được chăm sóc một cách chuyên nghiệp cũng là một giải pháp. 

GS-TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cũng cho rằng, Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số già. Do đó nếp sống coi con cái như “của để dành” để cậy nhờ là hoàn toàn không còn phù hợp “Sau 40 năm nữa, ¼ dân số Việt Nam sẽ trên 60 tuổi (gần 25 triệu người), xã hội sẽ ra sao nếu 25 triệu người trẻ khác phải “lấn bấn” vì chăm sóc cha mẹ già?”- GS Cử đặt câu hỏi. 

Bà Lê Thị Túy cũng cho rằng, con cháu, ông bà đều phải “học” để có thể phù hợp và cảm thông lẫn nhau. Ông bà già yếu, sợ mất quyền lực nên muốn “làm găng” để lấn át con cháu. Người già cũng nhiều bệnh tật nên cơ thể mệt mỏi, dễ có các phản ứng tiêu cực, dễ tủi thân, cô đơn. Còn người trẻ bận rộn với công việc, học hành lại có quá nhiều thú vui cuốn hút, do đó thời gian để “dừng lại”, chia sẻ với ông bà, bố mẹ ngày càng ít đi. “Muốn hạn chế được mâu thuẫn này, cha mẹ sống mẫu mực và nên biết cảm thông cho con cái, còn con cái cần hiểu “bệnh già” của cha mẹ để đối xử ân cần, vị tha hơn” – bà Túy khẳng định.