Khan hiếm lòng trung thực

ANTD.VN - Vụ việc cô hiệu trưởng trường tiểu học có mặt trên xe gây tai nạn cho học sinh nhưng khăng khăng “em tự ngã”; thầy giáo dễ dãi “linh động” cho học sinh kiểm tra lại để có điểm tốt làm đẹp học bạ; sự việc nữ sinh bị bỏng nặng do vụ nổ phòng thí nghiệm chỉ được tiết lộ khi chính nạn nhân tự thông tin trên mạng xã hội… 

Những thông tin gây bức xúc dư luận xã hội trong ngành giáo dục liên tiếp xảy ra cho thấy tính trung thực trong nhà trường đang ngày càng giảm sút. Trong môi trường sư phạm, nơi những đứa trẻ “như tờ giấy trắng” đang chờ đợi thầy cô giáo viết lên những dòng đầu tiên về tính trung thực, thì sự giả dối, thiếu minh bạch lại đang hoành hành tới mức đáng lo ngại. 

Cô hiệu trưởng không thừa nhận sự việc xe ôtô cô ngồi va gãy chân học sinh; muốn trốn tránh trách nhiệm, thậm chí còn dùng những biện pháp “kỹ thuật” nhằm giấu giếm, che đậy sự thật, làm sao để vụ việc nhanh chóng “chìm xuồng”. Thế nhưng, trong thời đại thông tin, cô hiệu trưởng không thể dễ dàng làm việc đó.

Thông tin nhanh chóng được đưa lên mạng xã hội, báo chí lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc, rồi Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đều có những chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu làm rõ và xử lý nghiêm vi phạm.

Trong những vụ việc như thế này, sự giám sát của cộng đồng và báo chí đã phát huy tác dụng rất tốt, không cho phép sự gian dối khỏa lấp lên sự thật.

Một khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu giáo dục - Đại học Sư phạm TP.HCM đã chỉ ra, có đến 42% người được hỏi cho rằng, học sinh phổ thông hay nói dối ở trong trường, gia đình và ngoài xã hội.

Có thể nói, tính trung thực trong nhà trường đang trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết. Đây là thực tế đáng báo động bởi thiếu tính trung thực sẽ dẫn tới những hành vi gian lận trong học hành, thi cử và cả cuộc đời phía trước của các em…

Nguy hiểm hơn, lối sống thiếu lành mạnh, không trong sáng hôm nay sẽ góp phần tạo nên những tiểu thương ngấm ngầm bỏ hóa chất vào thức ăn bán cho đồng loại để kiếm lời; những cán bộ, công chức trí trá sẵn sàng gian lận vì bệnh thành tích hay những doanh nhân thiếu tài năng, thừa gian xảo, biết tìm đủ mọi cách bưng bít, che đậy những khoản thua lỗ, thất thoát khổng lồ trước khi bỏ trốn ra nước ngoài trong tương lai…

Làm sao thầy, cô giáo có thể dạy các em về tính trung thực trong khi bản thân đang cố gắng che đậy những khoảng tối của mình? Đã có những ý kiến cho rằng, các thầy cô có sai phạm không nên tiếp tục đứng trên giảng đường để dạy học sinh cách làm người, bởi họ khó có thể giúp các em hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp, nhất là đức tính trung thực.

Tùy vào mức độ sai phạm của từng trường hợp, rồi đây, các cơ quan quản lý sẽ đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp. Tuy vậy, với trách nhiệm của mình, ngành giáo dục Thủ đô và Bộ GD-ĐT không thể ngoài cuộc.

Mỗi cá nhân có vi phạm sẽ góp phần “ăn mòn” uy tín của ngành. Không nên chỉ lặp đi lặp lại những khẩu hiệu “chấn chỉnh”, “rút kinh nghiệm sâu sắc toàn ngành”… để rồi ít lâu sau, vi phạm lại tràn lan trên mặt báo…