Khám phá ngôi làng được xây dựng từ hàng triệu chai nước bỏ đi

ANTD.VN - Tái chế chai nhựa vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa giúp chúng ta sở hữu nhiều món đồ không mất tiền mua nhưng công dụng lại thật bất ngờ. 

Lâu đài nhựa của doanh nhân Robert Bezeau

Có rất nhiều người đã “bỏ túi” được không ít bí kíp làm đồ thủ công từ những chai nhựa bỏ đi. Và ngạc nhiên hơn nữa khi một doanh nhân người Canada đã xây dựng một ngôi làng từ hàng trăm triệu chai nhựa bỏ đi trên đảo Colon (Panama), với cảnh sắc vô cùng tuyệt đẹp.

Hậu quả khôn lường từ cơn sốt du lịch

Panama, một đất nước với nhiều cảnh quan tuyệt đẹp với những nét văn hóa lịch sử đầy thú vị, nằm trên vùng biển Caribe, thu hút hàng triệu lượt du khách đến đây nghỉ dưỡng mỗi năm. Trong đó, Colon là đảo chính thuộc tỉnh Bocas del Toro, phía Bắc Panama. Đây là nơi có sự đa dạng sinh học bậc nhất trong vùng biển Caribe với 9 hòn đảo lớn, 50 đảo nhỏ và hàng nghìn đảo nhỏ hơn vẫn chưa được Panama khai thác phục vụ cho các dự án du lịch. Làn nước biển xanh trong cùng khí hậu nhiệt đới hấp dẫn du khách trên toàn thế giới. Do đó, du lịch - ngành công nghiệp không khói - đã trở thành nền kinh tế mũi nhọn của quốc gia Trung Mỹ này.

Vì lao vào cơn sốt du lịch, Colon trở thành một trong những nơi rơi vào cơn khủng hoảng nhựa nghiêm trọng nhất toàn cầu. Chính quyền địa phương và người dân sở tại đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế nhựa nhưng không mấy khả quang. Ước tính có khoảng 100.000 du khách đến đây mỗi năm và để lại khoảng 1 triệu chai nhựa.

Thế nhưng, do nhu cầu về du lịch khi hàng triệu lượt du khách đến đất nước này hàng năm ngày càng tăng, chính quyền Panama cũng như Colon vẫn chưa đáp ứng được cơ sở hạ tầng, các dịch vụ phục vụ du khách vẫn còn nhiều thiếu sót. Từ đó, những hậu quả khôn lường từ những tác động không hề nhỏ tới môi trường sống xung quanh, trong đó đáng chú ý nhất là rác thải nhựa với khối lượng khổng lồ lớn lên theo từng năm, gây ô nhiễm môi trường và hủy hại hệ sinh thái đa dạng của vùng biển Caribe.

Colon đã rơi vào tình trạng khủng hoảng rác thải nhựa nghiêm trọng nhất trên toàn cầu, bởi lượng du khách đến với hòn đảo này ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc mỗi năm trên đảo này du khách sẽ “để lại” hàng triệu chai nước bỏ đi. 

Tuy nhiên, rất may mắn khi trong một lần ghé thăm nghỉ dưỡng tại Colon (Panama), doanh nhân Canada Robert Bezeau đã nhận thấy rằng cảnh đẹp của nơi này đã bị những thói quen vứt rác bừa bãi của du khách tàn phá. Điều này khiến ông có những suy nghĩ về những hậu quả nghiêm trọng từ những hành động trên nếu nó vẫn tiếp diễn mà không có lời cảnh báo. Đồng thời, vị doanh nhân này cũng lên cho mình một kế hoạch “giải cứu” hòn đảo. 

Xây lâu đài bằng chai nhựa

Dưới ánh nắng vàng đặc trưng của vùng biển Caribe, một tòa lâu đài 4 tầng đã được xây dựng trên đảo Colon trông thật hùng vĩ trước cảnh quan nơi này. Nó tọa lạc ngay trên con đường chính dẫn du khách ra bãi biển với những bãi cát chạy dài, khiến du khách không khỏi choáng ngợp trước cảnh đẹp của thiên nhiên cùng sự hùng vĩ mà tòa lâu đài mang lại. Tuy nhiên, đây lại không phải một tòa lâu đài bình thường, mà nó được xây dựng từ 60.000 chai nhựa bỏ đi, được xếp lại từ những khung kim loại chắc chắn. 

Robert Bezeau đã chuyển tới Panama sinh sống ở đây 14 tháng để thực hiện dự án của mình. Ông đã vận động người dân Colon tham gia dự án để bảo vệ môi trường. Chính quyền địa phương cũng rất ủng hộ ông trong việc triển khai dự án, do đó Bezeau đã xây dựng được cả “ngôi làng tái chế” từ chai nhựa mà không hề thu đồng tiền nào của người dân. 

Mọi người đã thu gom được hàng triệu chai nhựa từ nhà dân, các khu vui chơi, bãi biển và Bezeau đã bỏ tiền túi ra để duy trì hoạt động này. Toàn bộ số chai nhựa thu về, ông cho xây dựng một ngôi làng trên đảo Colon nhằm giúp người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. 

Không chỉ mang hiệu quả giáo dục bảo vệ môi trường, mà những ngôi nhà trong làng cũng vẫn đảm bảo được tính năng một ngôi nhà thông thường trong đời sống hiện thực. Bezeau đã thuê kiến trúc sư lên ý tưởng xây dựng những ngôi nhà này. Căn nhà phải hòa hợp tổng quan, đảm bảo ánh sáng, còn độ vững chắc thì không cần phải nói, bởi nó có cả kết cấu bê tông tùy thuộc từng bộ phận trong ngôi nhà mà kiến trúc sư đã thiết kế. 

Đặc biệt, bên trong tòa lâu đài của Bezeau, ông còn thiết kế một căn phòng gọi là “nhà tù môi trường”, nơi mà cả tác giả công trình, cả những người dân, hay cả các du khách có thể ngồi trong này để suy ngẫm về những thói quen, hành động đã làm gây tác hại đến môi trường.