Khách hàng nghi ngờ thẻ tín dụng ngân hàng bị làm giả: Cùng "giải mã"!

ANTD.VN - Trước nghi ngờ của vị khách hàng về khả năng “thẻ tín dụng bị làm giả, vì thẻ ở Hà Nội, lại quẹt thanh toán tại… Nha Trang”, PV Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi cụ thể với một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng để ghi nhận ý kiến chuyên môn về sự việc.

Trong cuộc trao đổi, vị chuyên gia ngân hàng (đề nghị ẩn danh) đã vạch ra một số khả năng có thể xảy ra đối với trường hợp khách hàng bức xúc khiếu nại “thẻ tín dụng ở Hà Nội, giao dịch quẹt thanh toán lại ở… Nha Trang”, qua đó mang tới góc nhìn khách quan và đa chiều về sự việc.

Thẻ tín dụng ngân hàng có thể bị làm giả hay không? 

Đối với suy đoán của khách hàng Nguyễn N.A (SN 1992, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về “khả năng có thẻ tín dụng giả”, vị chuyên gia cho rằng rất khó xảy ra trường hợp đó, vì tính bảo mật của hệ thống rất cao, và số tiền chiếm đoạt trong trường hợp như vậy sẽ không dừng ở con số khiêm tốn.

“Qua các dữ liệu về sự việc, tới thời điểm này, tôi cho rằng có 2 khả năng hợp lý nhất: Một là do lỗi của nhân viên ngân hàng, hai là do sự bất cẩn của khách hàng”, vị chuyên gia bày tỏ.

Cụ thể, đối với một tài khoản ngân hàng dùng thẻ tín dụng, ngân hàng có thể phát hành nhiều thẻ, gồm thẻ chính và các thẻ phụ. Do đó, khả năng đầu tiên là khi phát hành thẻ cho một khách hàng khác (là người đã quẹt thanh toán tại Nha Trang), nhân viên ngân hàng đã nhập nhầm tài khoản của anh N.A, dẫn tới việc khách hàng kia dùng tiền từ thẻ tín dụng không phải của mình.

Khách hàng chia sẻ bức xúc vì bị yêu cầu thanh toán khoản tiền mà anh khẳng định "không giao dịch"

“Vì số tiền khiếu nại không lớn (2.230.000 đồng – PV), nên tôi cho rằng đó là sự nhầm lẫn, chứ không phải cố tình lợi dụng. Bản thân vị khách hàng quẹt ở Nha Trang có thể không để ý xem có nhận tin nhắn báo trả nợ hay không, hoặc họ nghĩ do khuyến mãi… Tóm lại, ở kịch bản này, nếu nhân viên ngân hàng ở bộ phận phát hành thẻ biết mình để xảy ra lỗi thì họ có thể tự động nộp tiền đền bù cho khách hàng nhằm xử lý êm đẹp mọi chuyện”, vị chuyên gia phân tích.

Khả năng thứ hai là chính khách hàng không biết rằng có thể người thân của mình đã lấy thẻ tín dụng rồi quẹt thanh toán khi đi du lịch.

“Cá nhân tôi biết rằng trong quá khứ có vụ việc một khách hàng khiếu nại tương tự, song khi điều tra ra thì thấy rằng do người thân của khách hàng đó lấy thẻ tín dụng mang đi tiêu dùng rồi để lại như cũ, không nói gì cho chủ thẻ, khiến chủ thẻ không hề hay biết”, chuyên gia chia sẻ.

Những khả năng khác như làm phôi thẻ giả, hay nhân viên ngân hàng lợi dụng kẽ hở quy trình để phát hành thẻ đứng tên tài khoản khác… khó xảy ra, vì theo chuyên gia trên, số tiền trong giao dịch bị cho là bất minh không lớn.

Nên làm gì khi rơi vào cảnh “không vay, vẫn bị ngân hàng báo nợ”?

Theo chuyên gia ngân hàng, nếu đang dùng thẻ tín dụng quốc tế (Master, Visa, American Express…) do các ngân hàng làm đại lý phát hành và không may rơi vào cảnh “không vay, không rút tiền mà vẫn bị báo nợ”, khách hàng cần báo khóa thẻ ngay lập tức.

“Khách hàng cần phải yêu cầu phía ngân hàng tra soát, làm rõ sự việc tới cùng. Nếu không được xử lý rõ ràng thì khách không nên dùng lại tài khoản thẻ đã bị nhầm lẫn”, chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Ảnh minh họa

Sau một số sự việc khiếu nại vừa qua đối với các dịch vụ ngân hàng, theo vị chuyên gia, “nếu sau này xác định được khách hàng khiếu nại đúng, thì sai sót xảy ra bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nhân viên ngân hàng chịu áp lực về chỉ tiêu phát hành thẻ quá lớn nên đã bỏ qua một số bước xác minh trong quy trình, dẫn tới về sau, khách hàng dùng thẻ thì phát sinh vấn đề”.

Ngoài ra, chuyên gia trên cho rằng, yếu tố đạo đức của nhân viên ngân hàng cũng là điều cần bàn tới.

“Mức đãi ngộ dành cho người làm ngân hàng thường cao, một phần là để họ không bị cám dỗ. Với những người có nghiệp vụ càng cao thì càng dễ phát hiện và lợi dụng các kẽ hở trong quy trình kiểm soát”, vị chuyên gia chia sẻ.