Khắc phục chứng ho ban đêm

ANTD.VN - Nhiều người ban ngày không thấy triệu chứng nhưng cứ đến đêm thì lại ho hắng, không chỉ làm rối loạn giấc ngủ của mình mà còn gây xáo trộn giấc ngủ của những người khác. Liệu có cách gì khắc phục?

Bình thường, các đường dẫn khí ở mũi và hô hấp trên sản sinh ra chất nhầy với mục đích để giữ ẩm ướt đường thở. Vào ban đêm, chất nhầy tiết ra, không được nuốt vào như ban ngày nên gây ra thở bằng miệng, khiến các thành cổ họng trở nên nhạy cảm hơn và dễ ho hơn. Bên cạnh đó, ho cũng là cơ chế bảo vệ cơ thể và giúp tống vật lạ ra khỏi đường hô hấp, làm tăng khuynh hướng ho nhiều hơn vào ban đêm. Hãy tham khảo các biện pháp khắc phục chứng ho ban đêm dưới đây:

Giữ cho đầu nâng lên khi ngủ: Điều này sẽ giúp giữ cho đường hô hấp mở và ngăn ngừa sự kích ứng của chất nhầy, khiến ho ít hơn đồng thời nó cũng đem lại hiệu quả nếu ho do hội chứng trào ngược dạ dày.

Giữ độ ẩm cho đường thở: Nhiệt độ lạnh hoặc nóng trực tiếp từ quạt, máy điều hòa không khí hoặc máy sưởi có thể khiến triệu chứng ho trầm trọng thêm vì chúng có thể khiến đường thở trở nên khô. Bạn cũng có thể sử dụng máy làm ẩm hoặc đặt một bát nước đầy trong phòng. Ngâm bồn tắm hoặc tắm vòi hoa sen trước khi đi ngủ cũng giúp giữ cho đường hô hấp ẩm ướt.

Dùng mật ong trước khi ngủ: Mật ong là vị thuốc tuyệt vời để giảm đau họng bằng cách làm dịu và tráng lên một màng nhầy cho niêm mạc đường thở. Mật ong cũng chứa các đặc tính kháng khuẩn. Có thể dùng một thìa mật ong hữu cơ trước khi đi ngủ hay trộn mật ong với nghệ uống 4-5 lần mỗi ngày.

Gừng rất hiệu quả với ho khan: Lấy một ít gừng tươi, dặm thêm chút muốn và nhai để giảm bớt ho. Một cách khác là uống trà gừng bằng cách cho một ít gừng vào cốc nước sôi, thêm mật ong và vài giọt nước chanh để làm cho trà ngon hơn.

Nước muối súc miệng: Rất hiệu quả trong việc loại bỏ nhiều chất nhầy ra khỏi cổ họng. Súc miệng nước muối ấm vài lần trước khi đi ngủ để tránh ho vào ban đêm.

Dừng hút thuốc: Ho mạn tính gặp vào ban đêm, nhất là lúc chợp mắt là một tác dụng phụ thường gặp của thói quen hút thuốc lá lâu dài. Nếu bỏ thuốc lá, không chỉ tình trạng ho được cải thiện mà sức khỏe tổng thể cũng tốt hẳn lên.

Ho vào ban đêm có thể là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn. Nếu ho không thuyên giảm hoặc có bất kỳ triệu chứng như bị hụt hơi nghiêm trọng hoặc khó thở; Môi hoặc mặt chuyển sang màu xám; Sốt cao; Ho và sốt ở trẻ dưới ba tháng tuổi… hãy đi gặp bác sỹ. Từ đó xác định ho do nhiễm khuẩn; ho do trào ngược acid dạ dày; ho do hen suyễn hoặc viêm phế quản hay ho do dị ứng để có biện pháp điều trị tương xứng.