Hy hữu: Lấy khối u tóc khổng lồ trong bụng bé gái có thói quen ăn... tóc suốt 9 năm

ANTD.VN - Đến khi con nhập viện cấp cứu, gia đình bệnh nhi M.Q.T (11 tuổi, Hà Nội) mới biết rằng con gái mình có thói quen bứt tóc ăn suốt 9 năm qua…

Khối u tóc khổng lồ lấy ra từ bụng bệnh nhi 11 tuổi

Ngày 28-4, tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp của bệnh viện này vừa phẫu thuật lấy ra khối u tóc khổng lồ trong cơ thể bé gái 11 tuổi.

Bệnh nhi là M.Q.T. Thời điểm nhập viện, các dấu hiệu sinh tồn bình thường, không nôn, không sốt, không có vàng da, thể trạng gầy, cân nặng 30kg. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhi có bụng mềm, chướng vùng thượng vị, sờ thấy khối cứng vùng thượng vị, không có phản ứng thành bụng, không có cảm ứng phúc mạc; siêu âm ổ bụng thấy có khối bã thức ăn lớn trong dạ dày.

Hỏi bệnh được biết, bệnh nhân có tiền sử bứt tóc ăn từ lúc 2 tuổi nhưng gia đình không để ý và chỉ đưa con đến bệnh viện khi bé xuất hiện đau bụng vùng thượng vị, đau âm ỉ kèm theo đó là nôn ra dịch vàng, dịch máu.

TS.BS Trần Anh Quỳnh, Phó trưởng khoa Ngoại, người trực tiếp phẫu thuật cho cháu T. cho biết, khi chỉ định cho bệnh nhi nội soi dạ dày, các bác sĩ phát hiện khối u tóc lớn trong dạ dày chiếm gần hết dạ dày nên không thể lấy khối u tóc bằng nội soi dạ dày.

Bệnh nhân được chuyển phẫu thuật mở dạ dày theo đường dọc thân vị mặt trước dạ dày dài 8cm cách môn vị 6cm. Sau 1 giờ trong phòng phẫu thuật, khối u tóc kích thước 20x10x8cm đã được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhi.

TS.BS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp cho biết, khối u tóc dạ dày là một rối loạn hiếm gặp, hầu như chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ trẻ. Hầu hết bệnh nhân có khối u tóc dạ dày bị rối loạn tâm thần bao gồm chứng bứt tóc (Trichotillomania) và hội chứng nghiện ăn tóc (Trichophagia)

Cũng theo TS Phạm Duy Hiền, khối u tóc nếu không được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhi sẽ dẫn đến các biến chứng khác bao gồm loét dạ dày, vàng da tắc mật, viêm tụy cấp. Ngoài ra, bệnh nhi còn gặp các biến chứng liên quan đến kém hấp thu bao gồm mất protein, thiếu sắt và thiếu máu…

Hiện tại, sau thời gian được chăm sóc hậu phẫu và điều trị tâm lý, tình trạng sức khỏe của bé T đã ổn định và được ra viện.