Huyện Hoài Đức gặp khó trong việc xử lý chất thải làng nghề

ANTD.VN - Tại buổi giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều 3-7, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho biết, công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải làng nghề tại huyện gần đây đạt nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm được khắc phục.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, hiện huyện có 12 làng được thành phố công nhận làng nghề truỵền thống. Hoạt động tại các làng nghề với nhiều ngành nghề khác nhau, sản phẩm phong phú, đa dạng, tập trung ở một số ngành nghề như: Chế biến nông sản, dệt may, bánh kẹo, tạc tượng, cơ khí...

Cùng với sự phát triển của các làng nghề, các loại hình doanh nghiệp sản xuất trong làng nghề cũng phát triển nhanh. Đến tháng 6-2018, toàn huyện có 2.393 doanh nghiệp và gần 10.000 hộ sản xuất kinh doanh. Lao động làm việc tại các làng nghề ước tính khoảng 44.000 lao động chiếm 31,4% tổng số lao động toàn huyện (140.000 lao động).

Trong đó, số lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khoảng 22.673 người; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nói chung và các làng nghề nói riêng trong những năm qua đã có những bước phát triển mạnh góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thu hút nhiều lao động ở các địa phương khác, từng bước ổn định và nâng cao đời sống nhân dân; tăng thu nhập cho ngân sách địa phương và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tích cực - tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Nói về vấn đề giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Anh cho biết, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó, tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; năng lực của cán bộ, công chức chuyên trách về môi trường được nâng cao, giúp tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề giảm dần.

Tuy nhiên, lãnh đạo huyện thừa nhận, việc đảm bảo vận hành hoạt động có hiệu quả Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà tại xã Dương Liễu, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thiện Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng và Nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh vẫn có nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, việc bố trí các khu vực sản xuất tập trung để di dời hoạt động sản xuất trong khu dân cư ra ngoài, việc chuyển đổi một số ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế không cao; việc tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý các vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cũng có nhiều tồn tại cần khắc phục ngay.

Vì vậy, thời gian tới, huyện Hoài Đức xác định để bảo vệ môi trường hiệu quả, trước hết cần nâng cao hơn trách nhiệm các cấp ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt tuyên truyền ý thức người dân tại các làng nghề và các doanh nghiệp để hiểu tầm quan trọng của môi trường đối với sức khỏe cộng đồng và quá trình phát triển bền vững, đặc biệt tại các làng nghề, cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án, đề án theo quy hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, trong đó chú trọng xây dựng các điểm tập kết rác thải; tích cực phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xử lý nước thải và kiểm soát việc vận hành Nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời những cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.