Huy động y tế tư nhân tham gia mạnh hơn vào phát hiện sớm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho tới nay, phần lớn ca nghi nhiễm, nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở nước ta được phát hiện bởi các đơn vị y tế công, trong khi sự góp mặt của khối tư nhân còn hạn chế…

Các đơn vị y tế tư nhân cần tham gia tích cực hơn vào đáp ứng các sự kiện y tế khẩn cấp (Ảnh minh họa)

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tháng 8-2020, Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế tại Việt Nam (PSI Việt Nam) khởi động dự án “Huy động khối tư nhân tham gia đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng” (viết tắt là PEPHER).

Thông tin từ dự án này nêu rõ, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã chứng minh được năng lực quản lý và triển khai các công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, sự đồng lòng của các cấp chính quyền và nhân dân. Tuy nhiên, phần lớn ca nghi nhiễm, ca nhiễm Covid-19 được phát hiện bởi các đơn vị y tế công, sự góp mặt của khối tư nhân còn đang bỏ ngỏ.

Trong khi đó, khối y tế tư nhân với lợi thế về độ bao phủ dày trên toàn quốc và là tuyến đầu tiếp xúc trực tiếp với người dân cần phải đóng vai trò quan trọng hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, y tế tư nhân phải là kênh truyền thông mạnh mẽ từ chính phủ tới cộng đồng; là đơn vị phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm từ cộng đồng. 

Được thực hiện tại 4 tỉnh thành gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam, dự án PEPHER là lời kêu gọi mạnh mẽ sự chung tay tích cực, chủ động của các đơn vị y tế tư nhân, thông qua các chương trình đánh giá và đào tạo nâng cao năng lực y tế; xây dựng quy trình báo cáo mẫu các ca nhiễm, nghi nhiễm; cung cấp các vật tư vệ sinh thiết yếu và truyền thông cộng đồng ngay tại cơ sở.

Dự án này ước tính sẽ tiếp cận khoảng 6,5 triệu người, bao gồm các y bác sĩ, dược sĩ tại các cơ sở y tế tư nhân và người dân trực tiếp hoặc gián tiếp tới khám chữa bệnh hoặc mua thuốc, qua đó góp phần vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh. Được biết, đây là dự án do Bộ phát triển quốc tế Anh (DFID) và tập đoàn Unilever đồng tài trợ.