Hướng nghiệp cùng con (1): Cha mẹ hãy là bạn đồng hành – đừng là nguồn áp lực

ANTD.VN - Việc định hướng cho con về một nghề nghiệp ổn định và phù hợp chưa bao giờ là điều dễ dàng với các bậc cha mẹ. Xã hội phát triển, nhu cầu ngày càng đa dạng dẫn tới việc hình thành nhiều ngành nghề mới, khiến các phụ huynh và bạn trẻ không dễ định hướng, chọn lựa. Từ đây, câu chuyện chọn trường nào, học nghề nào đã trở thành nỗi băn khoăn của hầu hết các bậc cha mẹ. Chọn nghề cho con như thế nào mới thật sự phù hợp và đúng đắn?

Chọn nghề cho con hay cho cha mẹ?

Hiểu đúng sở trưởng, đam mê và tình hình thị trường việc làm là những yếu tố cốt lõi để các bậc phụ huynh và con em mình không mắc sai lầm trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai cho các bạn trẻ.

Đối với học sinh lớp 12, chọn ngành nghề là một trong những quyết định quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai. Trong giai đoạn này, các bạn thường khó khăn trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội.

Chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học, Trần Hồng Thắm, học sinh lớp 12 Trường THPT Yên Định 1 (Thanh Hóa), cho biết: “Mình đăng kí vào khoa Luật thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Bố mẹ cũng góp ý cho mình rất nhiều khi chọn ngành này, một phần bởi gia đình có người làm nghề nên cũng sẽ tốt hơn trong việc chia sẻ, phần khác thì do mình vẫn còn cảm thấy một chút mông lung và chưa rõ bản thân thật sự muốn gì, thích gì, nên mình đã quyết định nghe theo".

Không biết bản thân phù hợp với ngành nghề nào là lí do khiến Hồng Thắm nghe theo sự lựa chọn của cha mẹ

Không may mắn như Thắm, nhiều bạn trẻ có mong muốn theo một nghề nghiệp cụ thể, song không nhận được sự ủng hộ của cha mẹ. Thậm chí, họ phải chịu áp lực nặng nề, là thi vào trường nào, học nghề gì theo sự áp đặt của các phụ huynh.

Bạn Lê Nguyễn Huyền My (học sinh trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ: “Mình muốn chọn ngành liên quan đến Quản trị nhà hàng – khách sạn, nhưng bố mẹ mình thì phản đối gay gắt khi mình chọn ngành này và có cái nhìn 'tiêu cực' với nó. Bố mẹ ép mình phải theo ngành Kinh tế, Công nghệ thông tin hoặc Ngân hàng, vì cả dòng họ mình không ai theo ngành Quản trị nhà hàng – khách sạn. Trong khi, mình học ban xã hội (Ban C - Văn, Sử, Địa), mình biết bản thân mình yếu kém các môn tự nhiên khối A, B và không có năng lực ở lĩnh vực mà cha mẹ mong muốn. Mặc dù mình đã thuyết phục, học ngành này sau khi có bằng đại học, trau dồi thêm kiến thức về ngoại ngữ, thì có thể xin việc dễ dàng, nhưng cha mẹ vẫn kiên quyết, bảo thủ với suy nghĩ tiêu cực đó, đánh đồng ngành Nhà hàng – khách sạn gắn với nhậu nhẹt và bia ôm. Mình cảm thấy bất lực và chán nản trước quyết định đó của cha mẹ, nhưng lại không thể làm gì khác ngoài việc nghe theo".

Bên cạnh việc cố gắng hoàn thành ngành nghề mà cha mẹ chọn, chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (sinh viên năm thứ 4, trường Đại học Kinh tế Quốc dân) lựa chọn một ngành nghề khác, được cho là phù hợp hơn với bản thân để theo học.

“Trước đây, mình chọn ngành Quản trị kinh doanh theo ý muốn của cha mẹ. Theo học được 2 năm, mình vẫn thấy mọi thứ thật mơ hồ, không thu nhận được gì nhiều về mặt kiến thức hay kinh nghiệm, học những điều mình không thấy hứng thú, nên rất chán nản, gần như bị khủng hoảng tinh thần. Sang năm thứ 3, mình quyết định học thêm ngành Ngôn ngữ Anh, là ngành mình cảm thấy phù hợp hơn với bản thân. Bên cạnh đó, mình vẫn hoàn thành ngành học mà gia đình mong muốn” – chị Nguyệt chia sẻ.

Có một ngành nghề phù hợp với bản thân là mong muốn của chị Minh Nguyệt

Cha mẹ thường định hướng nghề nghiệp cho con cái, theo kế hoạch và mong muốn của bản thân. Các bậc cha mẹ nghĩ rằng, họ có kinh nghiệm, luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình và gia đình có nền tảng nghề nghiệp ổn định. Do vậy, nhiều cha mẹ nghĩ việc chọn ngành, chọn trường do cha mẹ quyết định là điều hoàn toàn hợp lý. 

Chia sẻ về câu chuyện chọn nghề cho con, chị Nguyễn Thị Hằng (phụ huynh em Huyền My) cho biết: “Mình là người đi trước, bằng quá trình quan sát, mình hiểu con phù hợp với ngành nghề nào, cũng bởi vì truyền thống của gia đình nên mình muốn con theo ngành mà mình chọn, sau này ra trường lại không lo thất nghiệp. Mình không để con chọn theo nghề mà con thích ở thời điểm hiện tại, bởi không thể chắc rằng, theo học 1 – 2 năm, con còn thích ngành đó nữa hay không. Nếu con không thích thì sẽ lãng phí rất nhiều thời gian và tiền bạc. Có lẽ mình hơi bảo thủ trong việc muốn con theo nghề nghiệp của gia đình, nhưng mình nghĩ, đó là sự lựa chọn tốt nhất cho con”.

Chị Hằng mong muốn con mình theo sự nghiệp của gia đình

Chị Phí Mai Chi – Người sáng lập dự án Giáo dục hướng nghiệp IKIGAI Việt Nam - cho rằng, học sinh muốn lựa chọn đúng nghề thì trước hết phải hiểu được bản thân mình, không thể "hôm nay chọn nghề này, mai chọn nghề khác", chọn theo tâm lý số đông hay theo sự sắp đặt của cha mẹ.

“Chọn nghề không đơn thuần là đưa ra quyết định ở một thời điểm, mà nó là cả quá trình dài nghiên cứu, nghiền ngẫm về ngành mình sẽ chọn, sẽ học và sẽ gắn bó trong tương lai. Phải tự trả lời câu hỏi: Mình thích gì? Năng lực của mình tới đâu? Chọn ngành đó sẽ có khó khăn hay thuận lợi gì?” – chị Mai Chi chia sẻ.

Dưới đây là video clip ghi lại những chia sẻ của các bạn học sinh về suy nghĩ lựa chọn nghề nghiệp sau này:

Cha mẹ là người đồng hành cùng con

Cũng theo chị Phí Mai Chi, việc định hướng nghề nghiệp cho các con nên bắt đầu từ sớm, ở độ tuổi từ 8 - 14 tuổi. Đây là lứa tuổi bắt đầu hình thành tính cách, và những khả năng tiềm ẩn cũng dần được bộc lộ. Cha mẹ cần thấu hiểu quá trình phát triển tâm sinh lí, cần phải biết con mình muốn gì, và năng lực tới đâu, từ đó hướng dẫn và tư vấn nghề nghiệp cho con.

Khi trẻ bộc lộ rõ nét những năng lực và khả năng của mình thì đó chính là thời điểm thích hợp để phụ huynh có những định hướng cơ bản cho tương lai của con em mình. Mỗi người khi sinh ra sẽ có những năng khiếu riêng của bản thân, bậc làm cha, làm mẹ, cần có sự quan sát tinh tế, để phát hiện ra khả năng tiềm ẩn trong con, từ đó có thể phát huy một cách hợp lý.

“Cha mẹ nên đóng vai trò là người đồng hành, giúp con khám phá và tìm hiểu bản thân, nên dành nhiều thời gian để hướng nghiệp cho con, tôn trọng nhận thức, lắng nghe và thấu hiểu quyết định của con. Cha mẹ là khuôn mẫu giúp con biết được giá trị của sức lao động, và thành quả mà các con đang được hưởng là từ đâu. Bằng cách kể cho con cái nghe câu chuyện về nghề nghiệp của mình, tại sao lại chọn và yêu thích cái nghề đó, cha mẹ sẽ giúp con hình dung cụ thể, rõ ràng hơn. Tất cả những điều đó sẽ trở thành bài học kinh nghiệm đáng giá nhất mà cha mẹ có thể mang đến cho con cái trong quá trình hình thành và định hướng nghề nghiệp cho bản thân” – chị Mai Chi bày tỏ.

Một khi cha mẹ và con tìm được tiếng nói chung, để trở thành những "người bạn đồng hành" thực sự, thì việc định hướng nghề nghiệp có thể phát huy hiệu quả không ngờ.

Anh Nguyễn Bá Quyết (23 tuổi, Hưng Yên) chia sẻ: “Trước đây, mình chọn ngành Công an nhưng không thi đỗ vào Học viện Cảnh sát. Sau đó, mình được cha mẹ định hướng theo ngành Sư phạm Vật lý. Những năm tháng học sư phạm, mình đạt được nhiều giải Vật lý sơ cấp, cấp trường và cấp quốc gia, cụ thể là giải ba cuộc thi Vật lý toàn quốc năm 2018, giải ba Vật lí sơ cấp tại trường Đại học Sư phạm 2, tham gia viết nội san Vật lý cấp trường. Mình dạy luyện thi từ năm thứ nhất môn Vật lý và Toán, dần dần càng bén duyên với nó, nên khi luyện thi đã có nhiều học sinh đạt thành tích. Hiện tại, mình yêu nghề và muốn mãi theo nghề giáo".

Hướng nghiệp cùng con (1): Cha mẹ hãy là bạn đồng hành – đừng là nguồn áp lực ảnh 4

Anh Quyết (người cầm bánh) cùng học sinh tại lớp học luyện thi của mình

Bất cứ sự lựa chọn sai lầm nào cũng phải trả giá. Có những sai lầm phải trả giá bằng cả cuộc đời, không thể làm lại được. Sai lầm khi chọn nghề phải trả giá bằng tiền bạc, thời gian, công sức và cơ hội thành đạt. Cha mẹ hãy đồng hành cùng con khi đứng trước những sự lựa chọn mang tính quyết định, cần bình tĩnh, khéo léo để phân tích và giúp con đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất cho bản thân. Khi thấy không phù hợp, cha mẹ hãy để con bước ra khỏi “vùng an toàn” để thay đổi và có sự đột phá cần thiết.

(Còn nữa)