Hướng dẫn thực hiện chế độ cho cán bộ, công chức huyện, xã sau sáp nhập

ANTD.VN - Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo hướng dẫn việc sắp xếp tổ chức, bố trí và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Cán bộ tư pháp hướng dẫn người dân, giải quyết thủ tục hành chính

Tại dự thảo hướng dẫn, Bộ Nội vụ cho biết, về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, khi nhập nguyên trạng các đơn vị hành chính cấp huyện, xã để hình thành một đơn vị hành chính cùng cấp mới thì tổ chức chính quyền địa phương và hoạt động của HĐND và UBND của đơn vị hành chính mới thực hiện theo quy định tại Điều 134 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Khi thành lập mới một đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên cơ sở điều chỉnh một phần của đơn vị hành chính cùng cấp khác thì tổ chức chính quyền địa phương và hoạt động của HĐND và UBND của đơn vị hành chính mới thành lập thực hiện theo quy định tại Điều 136 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Trường hợp điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã về một đơn vị hành chính cùng cấp khác thì đại biểu HĐND thuộc địa phận điều chỉnh đó sẽ là địa biểu của HĐND đơn vị hành chính mới cho đến khi hết nhiệm kỳ 2016-2021…

Về việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, dự thảo hướng dẫn như sau:

Đối với đơn bị hành chính cấp huyện, xã mới hình thành cần căn cứ nội dung Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019-2021 đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua và ban hành Nghị quyết, UBND cấp huyện mới hình thành thực hiện việc sắp xếp, bố trí và giải quyết các chế độ chính sách đối với số lượng cán bộ công chức, viên chức, hợp đồng lao động dôi dư.

Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ở cấp huyện mới hình thành thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động đủ điều kiện tiếp tục làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính cấp huyện mới;

Đối với số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư (kể cả người đủ điều kiện, tiêu chuẩn giữ lại làm việc nhưng tự nguyện xin nghỉ hoặc xin chuyển công tác…) thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện xã được thực hiện theo quy định của Nghị định số 26/2015NĐ-CP về chế độ chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 46/2010/NĐ-CP  về thôi việc và thủ tục nghủ hưu với công chức.

Cán bộ, công chức đang đảm nhận các vị trí lãnh đạo của HĐND, UBND cấp huyện, xã khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc giữ chức vụ lãnh đạo có phụ cấp chức vụ thấp hơn trước khi sắp xếp thì được hưởng nguyên lương, phụ cấp chức vụ đến hết nhiệm kỳ 2016-2021…

Ngoài những chế độ chính sách đã được quy định, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh có thể trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, hợp đồng lao động và người hoạt động không chuyên trách ở các xã dôi dư tại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thực hiện sắp xếp.