Hung thủ sát hại hai vợ chồng ở Thành phố Hưng Yên sẽ đối diện với mức án nào?

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, liên quan đến vụ đột nhập sát hại cả hai vợ chồng tại Hưng Yên, ngày 3-9, CAT Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Đinh Công Tráng (41 tuổi, ở phường An Tảo, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) về hành vi giết người.

Những nạn nhân trong vụ án trên là anh Đặng Văn T (SN 1977) và chị Nguyễn Thị H (SN 1978, vợ anh T). Theo thông tin từ cơ quan điều tra, rạng sáng 17-8, Đinh Công Tráng đã đột nhập vào nhà của anh Đặng Văn T, ở phường Hồng Châu, TP Hưng Yên để trộm cắp tài sản. Khi bị phát hiện, Tráng dùng dao bầu mang theo đâm liên tiếp, sát hại hai vợ chồng anh T, sau đó bỏ trốn. Hồ sơ lưu trữ cho thấy, Tráng có tiền án về tội Hiếp dâm, tiền sự về hành vi Gây rối trật tự công cộng và là người nghiện ma túy.

Liên quan đến  hành vi trên, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, Đinh Công Tráng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo Điều 123 BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Hiện trường vụ án mạng diễn ra tại phường Hồng Châu, TP Hưng Yên

Điều luật này quy định, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: Giết 2 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Có tính chất côn đồ...thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Cố ý nghĩa là trước khi có hành vi tước đoạt tính mạng người khác, người phạm tội  nhận thức rõ hành động của mình tất yếu hoặc có thể gây cho nạn nhân chết và mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết.

Hành vi khách quan của tội phạm bao gồm cả hành động và không hành động. Hành vi tước đoạt tính mạng của người khác phải là hành vi trái pháp luật. Hành vi này phải là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người, tức là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Mặt khác, hành vi tước đoạt tính mạng người khác là hành vi được thực hiện do cố ý. Khách thể của tội giết người là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Đối tượng thực hiện là bất kỳ ai có đủ năng lực trách nhiệm hình sự - Luật sư Lê Hồng Vân phân tích.

Còn trong trường hợp có căn cứ chứng minh Đinh Công Tráng khai đột nhập vào nhà anh T để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản và đối tượng có hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên mà bị phát hiện, thì đối tượng này còn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS 2015 sửa đổi.

Theo đó, người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Tuy vậy, tội Trộm cắp tài sản là tội phạm có cấu thành vật chất. Nghĩa là, phải có hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị định giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu (nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà chưa hết thời hiệu) thì người thực hiện hành vi mới bị xử lý hình sự.