Hơn 9 triệu người Việt Nam bị rối nhiễu tâm trí, rối loạn tâm thần

ANTD.VN - Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội – Bộ LĐ-TB&XH, tại Việt Nam hiện nay, ước tính có khoảng hơn 9 triệu người bị rối nhiễu tâm trí, trong đó khoảng 300.000 người bị tâm thần nặng…

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐ-TB&XH

Phát biểu tại hội thảo “Nâng cao chất lượng truyền thông phát triển nghề công tác xã hội với người có vấn đề sức khỏe tâm thần” do Cục Bảo trợ xã hội – Bộ LĐ-TB&XH tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Hồi cho biết, tại Việt Nam, số người bị rối nhiễu tâm trí ước tính khoảng 10% dân số, tương đương hơn 9 triệu người.

Trong số bị rối nhiễm tâm trí nói trên, số người tâm thần nặng ước tính là 2,5%, tương đương 300.000 người. Các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp như: Tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy…

Trong khi đó, Ths.BS. Vũ Công Nguyên, Phó viện trưởng Viện Dân số Sức khỏe và Phát triển nhấn mạnh, trầm cảm, rối loạn tâm trí, rối loạn tâm thần là tình trạng bệnh khá phổ biến của thời hiện đại, ở các nước càng phát triển thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao. Trầm cảm nặng có thể dẫn đến tự tử, tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.

Về số liệu, bác sĩ Nguyên cho biết, tại Việt Nam, chưa có điều tra mẫu đại diện quốc gia, nhưng số liệu từ các nghiên cứu điều tra cắt ngang nhỏ làm tại nhiều địa bàn, nhiều nhóm dân cư cho thấy tỷ lệ trầm cảm ở nước ta khoảng từ 8%-15% với các mức độ trầm cảm khác nhau khi sử dụng các thang bảng đánh giá khác nhau.

Cũng liên quan đến vấn đề này, thời gian gần đây, số vụ người có biểu hiện rối loạn tâm thần, rối nhiễu tâm trí có hành vi hành hung, tấn công người trong cộng đồng, gây án hay vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng. Mới đây nhất, ngày 26-11, tại TP HCM xảy ra vụ việc một bảo vệ dân phố được cho là có biểu hiện tâm thần phân liệt đã sát hại một bé trai 6 tuổi…

Thực trạng đó đòi hỏi công tác quản lý sức khỏe tâm thần, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí cần được củng cố và phát triển hơn nữa. Được biết, hiện đã có 20 tỉnh, thành phố hỗ trợ nâng cấp, mở rộng trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí...