Hơi thở có mùi, tại sao?

ANTD.VN - Hôi miệng là bệnh khó nói nhưng nguyên nhân khiến hơi thở có mùi hôi chưa chắc do bạn bị bệnh về nướu hay vệ sinh răng miệng kém.

Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây hơi thở nặng mùi đều từ trong khoang miệng và đa phần chúng bắt nguồn từ cuối lưỡi. Lưỡi là nơi cư trú lý tưởng nhiều vi khuẩn gây mùi hôi. Có khoảng 600 loại vi khuẩn khác nhau sống trong miệng và chúng tạo ra rất nhiều chất nặng mùi khác nhau. 

Thực phẩm 

Ngoài một số thực phẩm có thể khiến hơi thở hôi như hành tây, tỏi thì ít người biết cà phê, nước cam, phô mai và thịt cũng có thể gây mùi hơi thở khó chịu. Nhiều người nghĩ rằng bạc hà và các sản phẩm có tinh dầu bạc hà như kẹo cao su có thể giúp khử mùi hôi miệng. Tuy vậy, thực tế cho thấy, ngay khi hương bạc hà biến mất, mùi hơi thở của bạn sẽ trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, khi bạn ăn đồ ngọt, đường sẽ khiến vi khuẩn trong khoang miệng nhân lên nhanh chóng, khiến hơi thở có mùi.

Vệ sinh răng miệng kém 

Nếu bạn không đánh răng thường xuyên, bỏ quên vệ sinh lưỡi và không súc miệng sau bữa ăn, khi đó các mảng thức ăn vẫn còn bám trên răng miệng gây ra hơi thở khó chịu. Trên thực tế, ngay cả khi bạn vệ sinh răng miệng đúng cách, nhưng không đến nha sỹ khám ít nhất 1 năm/lần cũng có thể mắc bệnh răng miệng mà không biết. Bởi vì các mảng bám phát triển quanh răng theo thời gian sẽ không thể loại bỏ bằng cách đánh răng thường xuyên. Vì vậy, chúng tích tụ trong miệng khuyến khích sự phát triển của vi khuẩn và gây hôi miệng.

Thuốc lá

Hút thuốc lá không chỉ gây hôi miệng mà có thể dẫn đến ung thư miệng. Hút thuốc lá khiến miệng khô, tạo ra một thứ mùi rất khó chịu. Những người hút thuốc lá thường mắc các bệnh về nướu (lợi) - điều này cũng gây ra hơi thở nặng mùi.

Miệng khô

Nước bọt giúp làm sạch và làm ẩm khoang miệng, nhưng khi không có đủ nước bọt, các tế bào chết tích tụ trên lưỡi, lợi và bên trong má, sau đó sẽ phân hủy và tạo ra mùi hôi. Điều này giải thích tại sao hơi thở của bạn lại thường nặng mùi nhất vào buổi sáng bởi miệng bị khô trong lúc ngủ. Giải pháp cho vấn đề này khá đơn giản, chỉ cần uống nước đều đặn trong ngày để giữ cho miệng không bị khô.

Viêm xoang, nhiễm trùng trong miệng

Trong xoang chứa chất nhầy, và khi bị viêm sẽ sản sinh ra hợp chất gây mùi hôi, đi vào đường thở. Lúc này các chất nhầy - chứa nhiều protein và là thức ăn của vi khuẩn gây mùi - sẽ chảy từ mũi xuống cổ họng. Nhiễm trùng trong miệng luôn gây ra hơi thở hôi vì thức ăn bị phá vỡ do vi khuẩn hình thành. Vì vậy, nếu bạn bị loét miệng, bệnh nướu răng, bạn nên súc miệng sau mỗi bữa ăn với nước muối. 

Các loại thuốc 

Một số loại thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ. Chẳng hạn như các loại thuốc để điều trị trầm cảm, huyết áp cao, đau thắt ngực, loét dạ dày, dị ứng và ung thư có thể gây mùi hơi thở hôi.

Các bệnh lý và các rối loạn 

90% nguyên nhân gây hơi thở có mùi không nằm trong miệng mà ở những nơi khác trong cơ thể bạn. Ví dụ, bệnh tiểu đường thường có hơi thở có mùi hoặc Trimethylaminuria (TMAU), là một rối loạn di truyền làm cho mồ hôi, nước bọt và nước tiểu có mùi cá ươn. Các tình trạng khác bao gồm nhiễm trùng phổi (như phế quản và viêm phế quản), viêm amiđan và GERD (bệnh trào ngược dạ dày thực quản).

Nếu bạn bị mắc chứng táo bón hoặc những vấn đề liên quan đến dạ dày thì hơi thở cũng không được dễ chịu cho lắm. Bệnh viêm phổi mãn tính thường khiến cho hơi thở có mùi hôi trong khi bệnh suy thận lại khiến hơi thở có mùi cá ươn.