Hội chứng chân không ngừng nghỉ - những điều cần biết

ANTD.VN - Nếu bạn đang đọc sách hoặc xem tivi vào buổi tối thì bất ngờ cảm thấy một động lực lạ lùng, mạnh mẽ phải di chuyển chân, có thể đó là một trong những triệu chứng đặc trưng của hội chứng chân không ngừng nghỉ (RLS). 

Theo các nhà khoa học trường Y khoa Harvard (Mỹ), dấu hiệu của RLS là sự thúc giục không kiểm soát để di chuyển chân. Bệnh ảnh hưởng đến 7-8% những người trưởng thành ở Hoa Kỳ, với 2-3% trường hợp nặng cần phải dùng thuốc.

Dễ bị nhầm với bệnh khác

RLS là một rối loạn thần kinh đặc trưng bởi cơn đau nhói, co kéo, tê dần dần, hoặc cảm giác khó chịu ở chân không thể kiểm soát được làm cho bệnh nhân khó chịu, buộc phải di chuyển chân liên tục. RLS xảy ra khi bạn không hoạt động (ngồi hoặc nằm), và nó sẽ hoàn toàn biến mất khi bạn đứng dậy và di chuyển. Bệnh xảy ra nghiêm trọng nhất vào buổi tối.

Một số bệnh có triệu chứng giống như RLS. Ví dụ, người bị bệnh thần kinh, biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường, có thể bị tê liệt, ngứa ran, hoặc nóng rát ở chân. Một số bệnh viêm khớp có thể xuất hiện cảm giác khó chịu trong khớp và triệu chứng được cải thiện bằng cách di chuyển. Một số người có thể co giật chân khi ngủ, nhưng không có triệu chứng chân không ngừng nghỉ trong khi họ thức - một hiện tượng được gọi là chuyển động chân tay theo chu kỳ. 

Không phải ai cũng cần thuốc 

Không phải tất cả mọi người có các triệu chứng của RLS đều cần dùng thuốc. Theo các chuyên gia y tế, nếu triệu chứng này không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe thì không nhất thiết phải dùng thuốc. Không giống như ngưng thở khi ngủ, có thể làm tăng khả năng bị đau tim và đột qụy, RLS không liên quan đến các nguy cơ sức khỏe khác. Hơn nữa, đối với nhiều người có các triệu chứng RLS nhẹ đến trung bình, việc thay đổi lối sống hoặc thói quen sẽ rất hiệu quả. Thường xuyên tập thể dục vừa phải có thể làm giảm các triệu chứng bệnh ở một số người, tuy nhiên nếu tập thể dục quá mức có thể gây đau khớp và cơ - có thể làm trầm trọng thêm RLS. Để khắc phục tình trạng này, bạn hãy tích cực làm việc nhà, hoặc đi bộ vào buổi tối. 

Những yếu tố làm trầm trọng thêm bệnh

Rượu và caffeine là những thủ phạm phổ biến khiến tình trạng RLS thêm trầm trọng, vì vậy để giảm tình trạng này bạn nên hạn chế bia rượu và caffeine. Thiếu ngủ cũng có thể gây ra triệu chứng bồn chồn chân tay. Vì vậy, bạn có thể dùng thuốc ngủ không theo đơn, thường là thuốc kháng histamine - nhưng việc này không được khuyến cáo. Thuốc kháng histamine cũng làm cho RLS trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, hãy thử các biện pháp tự nhiên để ngủ ngon. Một số loại thuốc, bao gồm một số loại thuốc chống trầm cảm, cũng có thể làm trầm trọng thêm RLS. 

Thận trọng khi bổ sung sắt

Nếu bạn có các triệu chứng RLS, có thể bác sĩ kiểm tra mức độ sắt trong máu. Mối quan hệ giữa thiếu sắt và hội chứng chân không ngừng nghỉ chưa rõ ràng, nhưng đối với một số người, việc bổ sung chất sắt có thể giúp ích. Tuy nhiên, trước khi bổ sung bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sỹ. Quá nhiều chất sắt có thể gây ra các triệu chứng đường tiêu hóa, hoặc ở một số người dễ bị tổn thương, có thể gây hại gan và các cơ quan khác.

Tác dụng phụ của thuốc trị RLS 

Nếu thay đổi lối sống không làm giảm các triệu chứng của RLS thì liệu pháp điều trị bằng thuốc là cần thiết. Một số loại thuốc pramipexole, ropinirole có thể giảm các triệu chứng nhưng nếu uống quá liều hoặc trong một thời gian quá dài có thể gây phản ứng phụ làm trầm trọng thêm chứng RLS. Trong một số ít trường hợp, thuốc cũng có thể dẫn đến rối loạn điều khiển xung lực - có nghĩa là bạn có thể dễ bị lạm dụng tình dục.