Học tín chỉ từ bậc phổ thông: Chấm dứt kiểu học "dàn hàng ngang"

ANTD.VN - Trước những đề xuất mạnh bạo của TP.HCM về đổi mới giáo dục, nhiều người tò mò liệu áp dụng học theo tín chỉ từ bậc phổ thông có phù hợp?

Thêm nhiều đề xuất táo bạo đối về đổi mới học sinh phổ thông theo hướng hội nhập

UBND TP.HCM đã chính thức báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc thi hành Luật Giáo dục, trong đó đề xuất nhiều nội dung tạo cơ chế mở cho hệ thống giáo dục của thành phố này. Trong đó, vấn đề đào tạo theo hình thức tín chỉ để rút ngắn thời gian đào tạo gây được sự chú ý.

Không cần phải học đủ 9 tháng

Một trong những điểm nhấn trong đề xuất của TP.HCM  là hướng mở trong biên chế năm học. Cụ thể, thay vì thực hiện cứng nhắc đủ 9 tháng/năm học như hiện nay, các trường có thể rút ngắn, kéo dài hoặc giữ nguyên 9 tháng, tùy từng điều kiện cụ thể. Ví như, học sinh có thể nghỉ hè suốt 3 tháng hoặc chỉ nghỉ 1-2 tháng hè.

Các em có nhu cầu có thể đăng ký học trong hè để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình bậc học, sớm tiếp cận bậc học cao hơn. Ngược lại, cũng có học sinh có hoàn cảnh đặc biệt không thể hoàn thành chương trình năm học trong 9 tháng thì có thể học bổ sung vào thời gian sau đó.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đề xuất cơ cấu giờ, tiết học linh hoạt hơn như lựa chọn học 1 buổi, 2 buổi để tiếp cận xu hướng thế giới và giảm ùn tắc giao thông, phù hợp đặc điểm của địa phương. Sĩ số lớp học cũng được phép linh hoạt theo loại hình trường: trường chuyên, trường tiên tiến - hiện đại, trường bình thường...

Học sinh có thể học tại trường, nhà, trực tuyến; thời lượng giảng dạy các môn học cũng mở, ít hay nhiều tùy từng trường, từng môn học. Ngoài ra, TP.HCM còn đề xuất được đa dạng việc kiểm tra, đánh giá: đánh giá qua kết quả học tập, các kỹ năng đạt được, kết quả nghiên cứu khoa học…

TP.HCM cũng đề xuất được tự công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh; rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình học phổ thông theo năng lực học sinh. Hiện tại, luật quy định 3 năm là có thể tốt nghiệp đại học (ĐH), 3 năm tốt nghiệp THPT, 4 năm tốt nghiệp THCS nhưng theo khoa học về sư phạm thì có những môn học, có những chương trình học, các em có thể hoàn thành trong 1 - 2 năm, thay vì 3 - 4 năm.

Cơ hội liên thông các bậc học theo tín chỉ

Một định hướng được đề xuất gây nhiều chú ý là việc giáo dục “mở”, chuyển hình thức giáo dục truyền thống theo biên chế sang một hình thức khác linh động hơn, phù hợp hơn với từng điều kiện, hoàn cảnh của học sinh và địa phương. 

Việc áp dụng tín chỉ từ cấp THCS đến THPT, liên thông lên bậc đại học, sau đại học sẽ giúp học sinh làm quen với phương thức học tín chỉ hiện đại, tiết kiệm thời gian cho những em có sức học và có điều kiện học nhanh, học giỏi và đáp ứng được yêu cầu kiến thức.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết, xu hướng chung trên thế giới là đang áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ ở cấp THPT. 

“Tôi cho rằng việc áp dụng tín chỉ từ cấp THCS chưa phù hợp nhưng ở bậc THPT thì thế giới các trường đã thực hiện. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn nhất là làm sao để liên thông được giữa bậc đại học và phổ thông vì tín chỉ không có nghĩa là chia nhỏ các môn học thành từng phần mà phải là những phần kiến thức mà bậc đại học chấp nhận để không phải học lại. Điều này chỉ khi có phương án thật cụ thể, chi tiết về cách tính tín chỉ cho học sinh như thế nào, điều kiện, cơ sở vật chất, cách tổ chức, quản lý thế nào thì mới có thể triển khai” - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Ông Đào Tuấn Đạt - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn THPT Anhxtanh Hà Nội, giảng viên Đại học Bách Khoa cho rằng, việc học theo tín chỉ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Hiện nay, quy định “dàn hàng ngang” đang khiến cho học sinh giỏi phải đi chậm lại để chờ học sinh yếu. 

Ngoài ra, việc cho phép học tín chỉ sẽ giải quyết bài toán chọn môn học tự chọn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu được như vậy sẽ giúp rút ngắn thời gian đào tạo lại, tạo sự uyển chuyển, linh hoạt trong lớp học.