Học sinh nghỉ hè, phụ huynh đau đầu tìm nơi gửi trẻ

ANTD.VN - Đối lập với sự háo hức, mong chờ của hàng triệu học sinh về một kỳ nghỉ hè thú vị và đầy ý nghĩa là nỗi lo lắng, trăn trở đến mất ăn mất ngủ của các phụ huynh trong việc tìm nơi gửi trẻ. 

Học sinh nghỉ hè, phụ huynh đau đầu tìm nơi gửi trẻ ảnh 1Hãy cho trẻ có một kỳ nghỉ hè bổ ích, gần gũi với thiên nhiên và đảm bảo an toàn

Đau đầu tìm nơi gửi con dịp hè

Dù đầu tuần tới hai cậu con trai (1 cháu 12 tuổi, 1 cháu 9 tuổi) mới chính thức nghỉ hè, nhưng từ hơn 1 tháng trước, vợ chồng chị Lưu Bích Vân ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm chỗ gửi con. Do bố mẹ hai bên đều ở xa, lại già yếu nên phương án gửi con về quê đối với chị Vân là không khả thi. Phương án thứ hai được chồng chị Vân đưa ra là cho con tham gia học kỳ quân đội hay một khóa học về kỹ năng sống. Song, sau khi cân nhắc, chị Vân cũng không lựa chọn.

“Tìm hiểu thông tin trên mạng, tôi được biết hầu hết các khóa học dao động từ 1-2 tuần với chi phí không hề rẻ, khoảng 5-10 triệu đồng. Tuy vậy, hiệu quả từ các khóa học này không được như kỳ vọng. Năm trước, cậu con trai 12 tuổi của anh bạn tôi cũng tham gia một khóa học nhưng phải bỏ dở giữa chừng, chấp nhận mất toàn bộ khoản tiền đã nộp. 

Nguyên nhân là do điều kiện sinh hoạt không đảm bảo. Dù trời nóng, phòng ở  đông đúc, nhưng lại chỉ có vài chiếc quạt nên hầu hết trẻ bị mất ngủ. Trong khi đó, cường độ hoạt động ban ngày khá cao, các cháu phải đi bộ, tập luyện, chơi trò chơi tập thể trong thời tiết nắng nóng nên chỉ vài ngày đã lăn ra ốm. Khi bị yêu cầu tự giặt quần áo, nhiều bạn chưa quen việc nên  bị trách phạt thường xuyên và rơi vào trạng thái rất căng thẳng, cứ gọi điện về nhà khóc. Do đó, phụ huynh không còn cách nào khác đành đến đón con về” - chị Vân chia sẻ.

Cũng theo chị Vân, một phương án nữa mà chị và nhiều bậc phụ huynh khác nghĩ tới là cho con tham gia các khóa học văn hóa trong dịp hè. Sau khi tìm hiểu, chị quyết định cho cả hai con theo học chương trình tiếng Anh tại một trường tư thục gần nhà với mức phí 8 triệu đồng/học sinh/2 tháng. Theo quảng cáo của nhà trường, ngoài học tiếng Anh, học sinh sẽ được học thêm kỹ năng sống, tham gia câu lạc bộ nghệ thuật, thể thao. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại chị Vân vẫn chưa thống nhất được với 2 cậu con trai do chúng kiên quyết yêu cầu “nghỉ hè là phải được chơi”.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, biết cô con gái 7 tuổi sắp nghỉ hè, anh Đỗ Ngọc Nam ở đường Quang Trung (quận Hà Đông) như ngồi trên lửa. Do con học trường công, nghỉ hè 2 tháng liền nên anh dự định thuê người giúp việc đến trông con và làm việc nhà. Tuy vậy, sau khi gọi điện đến các trung tâm môi giới, anh Nam phát hoảng khi biết chi phí thuê không hề thấp, chưa nói đến việc để con ở nhà một mình cho người lạ cũng khiến anh cảm thấy bất an.  

Nắm bắt được nhu cầu trên của phụ huynh, các nhà văn hóa thiếu nghi, trung tâm thanh thiếu niên cũng chuẩn bị khai giảng nhiều lớp học về các bộ môn nghệ thuật, ngoại ngữ, thể dục thể thao, mỹ thuật… Theo nhiều phụ huynh, việc cho con tham gia những lớp học này không hoàn toàn làm mất đi khoảng thời gian nghỉ ngơi của trẻ. Trẻ vừa học vừa chơi, được thay đổi không khí, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, phát triển năng khiếu để trở nên bạo dạn hơn. Bên cạnh đó, nhiều trường tư thục cũng đồng loạt mở khóa học hè, trại hè quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội.

Học sinh nghỉ hè, phụ huynh đau đầu tìm nơi gửi trẻ ảnh 2Để trẻ chủ động chọn môn học, thay vì nhồi nhét con vào lớp học đông đúc không đảm bảo chất lượng

Chất lượng có như kỳ vọng?

Ngay từ khi chưa bước vào kỳ nghỉ hè, tại các cổng trường, trên mạng xã hội đã tràn ngập tờ rơi, thông tin quảng cáo về các lớp học, trung tâm đào tạo kỹ năng cho trẻ. Từ các lớp kỹ năng ngoại khóa đến “Học kỳ quân đội”, “Lớp cai nghiện online”, “Học thành người có ích”, “Hòa mình với thiên nhiên”, “Học làm bác nông dân”, “Lắp ráp rô-bốt”, “Khóa tu mùa hè”… 

Để hút sự chú ý của phụ huynh và học sinh, nhiều trung tâm còn mua bản quyền các chương trình dạy kỹ năng sống của các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản. Giữa ma trận các khóa học hè “vàng thau lẫn lộn”, việc cha mẹ tìm được cho con một lớp học phù hợp, có chất lượng đào tạo tốt là điều không đơn giản.

Thực tế, bên cạnh những hiệu quả nhất định, nếu cha mẹ không tìm hiểu kỹ, những khóa học hè cho trẻ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Ngoài mức học phí với giá trên trời mà chất lượng không tương xứng, khi tham gia những khóa học không đảm bảo các điều kiện về an toàn, trẻ còn phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Cách đây không lâu, dư luận xôn xao trước thông tin tại một chương trình học kỳ quân đội ở TP.HCM, một em hút thuốc lá đã bị thầy phạt nhét thuốc lá vào tai, mũi và bắt hút cùng lúc hơn 10 điếu thuốc. Có học sinh bị bắt quả tang đánh bài đã bị thầy xé bài nhét vào miệng, thậm chí còn bắt học sinh tát vào mặt nhau khi mắc lỗi. Bên cạnh đó còn có trường hợp, trẻ tham gia khóa học kỹ năng sống không được quản lý chặt chẽ đã xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Nhiều trẻ tham gia khi còn quá nhỏ, chưa có khả năng tự bảo vệ mình nên nguy cơ bị xâm hại khá cao. Không chỉ có vậy, nhiều bậc cha mẹ chỉ nghe theo quảng cáo và tới đăng ký nộp tiền nhưng không biết con đến lớp chỉ để chơi và xem ti vi, còn thầy cô thì ngồi lướt mạng và chỉ hoàn thành vai trò duy nhất là trông trẻ. 

Điều đáng nói là chương trình nhiều khóa học cũng không có sự mới mẻ. Các trung tâm mở lớp tràn lan với nội dung và hình thức na ná nhau, giáo trình không có đơn vị nào đứng ra kiểm định về chất lượng. Tài liệu giảng dạy hầu hết là những sách tham khảo nên chưa có phương pháp truyền đạt chuẩn. Đặc biệt, tại các lớp học về tìm hiểu nghệ thuật, do kiến thức khá trừu tượng nên nhiều trẻ đến ngồi nghe… như vịt nghe sấm. 

“Việc đưa trẻ đến học các khóa kỹ năng dịp hè là cần thiết, nhưng  cha mẹ không nên quá kỳ vọng ở trẻ sẽ có sự thay đổi lớn sau một thời gian ngắn mà chỉ nên xem đây là một trong những hình thức giúp các em vui chơi, giải trí, giải tỏa áp lực tâm lý trong dịp hè, bởi học luôn là một quá trình và kỹ năng sống cũng vậy” - Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú nhận định.

Do đó, trước khi muốn gửi con vào một lớp học nào đó, các bậc phụ huynh cần đến nơi tổ chức, kiểm tra về cơ sở vật chất, tìm hiểu giáo trình, phương pháp mà trung tâm áp dụng đào tạo cho khóa học, nói rõ đặc điểm của con em mình, mong muốn của mình để hai bên thống nhất mục tiêu, phương pháp đào tạo. 

Không thể phủ nhận các khóa học trong dịp hè mang đến cho trẻ những trải nghiệm thực tế rất cần thiết cho sự phát triển và cuộc sống của trẻ sau này. Trẻ sẽ gặp gỡ nhiều bạn bè, chủ động hơn trong việc xây dựng các mối quan hệ mới, có điều kiện rèn luyện tính tự lập, giúp trẻ tự tin trong giao tiếp… Song, do phải đến một môi trường hoàn toàn mới, không có người thân bên cạnh, trẻ cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn nên cần có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt.

“Để mọi trẻ em đều có một mùa hè an toàn, bổ ích điều quan trọng nhất là các bậc cha mẹ cần chú trọng nhiều hơn vào việc rèn luyện các thói quen tốt cho trẻ ngay từ trong gia đình, dành cho con một mùa hè đáng nhớ bằng những chuyến đi nhiều kỷ niệm, hòa mình với thiên nhiên, để trẻ được chủ động chọn môn học mà trẻ yêu thích thay vì nhồi nhét con vào những lớp học chật chội, đông đúc, không đảm bảo chất lượng” - Tiến sỹ Cẩm Tú khuyến cáo.

Khởi động tháng hành động vì trẻ em năm 2019, Bộ LĐ-TBXH đề nghị các địa phương chỉ đạo lập danh sách bàn giao, tiếp nhận, quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại địa phương; tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè, văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, du lịch, tham quan, giao lưu với nội dung bổ ích, hình thức phù hợp, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chủ động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông cho trẻ em.