Học sinh giỏi quốc gia suýt trượt tốt nghiệp THPT vì lỗi chấm thi ở Tây Ninh

ANTD.VN - Sau sự cố học sinh giỏi quốc gia suýt trượt tốt nghiệp THPT vì lỗi chấm trắc nghiệm tại tỉnh Tây Ninh, nhiều ý kiến thắc mắc liệu việc chấm bài thi bằng máy có công bằng với mọi thí sinh.

Sự việc gây sốc với 58 điểm 0 của 34 thí sinh Tây Ninh đã được trả về điểm thực sau chấm phúc khảo khiến nhiều người thắc mắc về tính chính xác của phần mềm chấm thi.

Đặc biệt, trường hợp thí sinh Lê Quang Kỳ, học lớp 12T, Trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha (tỉnh Tây Ninh) vốn là học sinh đạt giải Khuyến khích môn Tin học kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia năm 2019 bị chấm 0 điểm cho cả 3 bài thi thuộc tổ hợp khoa học tự nhiên.

Ngay khi có kết quả phúc khảo, trên trang Fanpage của trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha công bố thông tin "THPT Chuyên Hoàng Lê Kha đạt tỷ lệ tốt nghiệp năm 2019 là 100% (271/271) và đặc biệt nhấn mạnh: “Vì trục trặc hệ thống nên Lê Quang Kỳ, lớp 12T đã bị chấm nhầm kết quả tổ hợp thi THPT quốc gia môn KHTN 0 điểm. Kết quả sau phúc khảo đây rồi. Chúc mừng Lê Quang Kỳ, hết sức chia sẻ nỗi lo lắng cùng em trong gần 2 tuần qua. Tổng điểm khối A1 của Kỳ rất cao: 8.6 + 8.5 + 9 = 26,1”

Thí sinh Lê Quang Kỳ suýt trượt tốt nghiệp THPT vì lỗi  "trục trặc hệ thống"

Giải thích về hiện tượng hàng loạt bài thi bị 0 điểm này, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT khẳng định: “Việc 58 bài thi trắc nghiệm của 34 thí sinh bị điểm 0 là hiện tượng cá biệt, chỉ xảy ra ở Hội đồng thi Sở GĐĐT tỉnh Tây Ninh”.

Ông Hồng cũng cho biết trong quá trình đối soát dữ liệu điểm thi từ các địa phương gửi về, Bộ GD-ĐT đã phát hiện những bất thường về điểm thi của một số bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi tỉnh Tây Ninh và yêu cầu Sở GDĐT Tây Ninh tổ chức gặp gỡ 34 thí sinh và gia đình các em ngay sau khi công bố kết quả thi để trao đổi, động viên các em trong khi chờ kết quả chấm phúc khảo.

Nguyên nhân của việc 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 được ông Hồng nêu ra là do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án. Tuy nhiên, nhiều ý kiến thắc mắc, với hàng loạt thí sinh bị điểm 0 toàn bộ bài tổ hợp bất thường như vậy mà Hội đồng chấm thi lại không phát hiện ra lỗi sai mã đề hay nhầm số báo danh.

Sự việc xảy ra có thể gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý thí sinh do vậy việc làm rõ trách nhiệm của hội đồng chấm thi Tây Ninh cũng được đặt ra để đảm bảo sẽ không xảy ra sự cố tương tự như vậy với một kỳ thi quan trọng như kỳ thi THPT quốc gia.

Thực tế, việc chấm thi trắc nghiệm bằng phần mềm khiến nhiều ý kiến băn khoăn trong việc đảm bảo quyền lợi thí sinh sao cho các em không bị thiệt thòi, chấm oan khi mắc những lỗi kỹ thuật như tô đáp án mờ hoặc tẩy đáp án cũ không sạch làm cho phần mềm có thể tự đánh giá là tô đúp.

Trong quá trình chấm thi trắc nghiệm bài thi THPT quốc gia 2019 tại Thanh Hóa, PGS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, Ban chấm thi trắc nghiệm của trường ĐH Bách khoa Hà Nội sửa hơn 1.500 lỗi tô mờ, tô đúp. Công việc này mất 1 ngày rưỡi...