Học ở đâu nếu không giành suất vào lớp 10 công lập?

ANTD.VN - Ngày 9-6, 76.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 của Hà Nội đã hoàn thành 2 môn thi để xét tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2017-2018. Nhiều phụ huynh lo lắng, nếu trượt trường THPT công lập, với độ tuổi này, học sinh khó kiếm được môi trường phù hợp để hoàn thành chương trình phổ thông và vào đại học.

Mặc dù chỉ thi hai môn Ngữ văn và Toán nhưng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội được đánh giá là căng thẳng hơn thi đại học. Tại phần lớn các điểm thi của Hà Nội đều tập trung khá đông phụ huynh đưa con đi thi trong tâm trạng hồi hộp, lo lắng. Vấn đề “phân luồng” vẫn là bài toán khó với Hà Nội khiến cho phần lớn học sinh tốt nghiệp THCS chỉ có mục tiêu vào THPT công lập, gây áp lực lớn cho học sinh trong kỳ tuyển sinh này.

Áp lực cộng điểm, tuyển thẳng 

Chia sẻ về áp lực cuộc thi này, chị Nguyễn Mai Phương, phụ huynh học sinh trường THCS Trưng Vương, Hoàn Kiếm cho biết, con chị chỉ dừng ôn thi 2 ngày trước khi kỳ thi vào lớp 10 diễn ra. Thậm chí đến sát ngày thi vẫn còn nhờ thầy gia sư kiểm tra lần cuối môn Toán. “Các con học tập quá vất vả. Buổi ôn thi cuối nhà trường thông báo các con nếu không có nhu cầu hoặc để đảm bảo sức khỏe không cần tham dự nhưng con nhất quyết muốn đến trường ôn thi”, chị Nguyễn Mai Phương chia sẻ.

Thực tế, cuộc đua vào lớp 10 này còn kéo dài và áp lực lớn từ cả chục cuộc thi trong năm học đối với những học sinh muốn được cộng điểm hoặc được xếp vào diện tuyển thẳng. Để được cộng điểm khuyến khích từ 2 điểm đến 1 điểm, học sinh phải đạt giải Nhất, giải Nhì, giải Khuyến khích, Huy chương Vàng, Bạc, Đồng trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa cấp tỉnh; đạt giải cá nhân hoặc đồng đội đối với các cuộc thi do ngành Giáo dục phối hợp tổ chức như thi giải Toán trên máy tính cầm tay, thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống thực tiễn; Giải văn nghệ, thể thao do ngành Giáo dục đào tạo phối hợp tổ chức từ cấp tỉnh trở lên đối với cấp THCS trong các cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng”, “Vô địch Taekwondo toàn quốc”…

“Thực tế cho thấy, trong khi các trường phổ thông công lập quá tải thì hệ thống trường trung cấp, học nghề lại tuyển sinh èo uột. Tuy nhiên, để thuyết phục phụ huynh ở các thành phố lớn như Hà Nội hướng con em mình theo hệ học nghề thay vì phải học hết THPT vẫn là điều khó khăn do rào cản về quan điểm, cách nghĩ”.

Ông Nguyễn Hữu Độ, (Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội)

Đối với những học sinh được giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, các em sẽ được tuyển thẳng vào trường THPT công lập không chuyên. Bởi vậy, khá nhiều học sinh ngoài học tập trên lớp còn vất vả ôn luyện, chuẩn bị cho trên dưới 20 cuộc thi kiểu này.

Trước tình trạng quá tải các kỳ thi bậc phổ thông, vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu giảm các cuộc thi cấp địa phương nhằm giảm áp lực cho giáo viên, học sinh. Theo đó, Bộ yêu cầu không sử dụng kết quả của các cuộc thi do Sở GD-ĐT chủ trì tổ chức và thành tích của học sinh do Sở GD-ĐT cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ năm học 2017-2018, tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp học từ năm học 2018-2019. Quy định này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kỳ tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội năm sau.

Giải bài toán áp lực vào trường công

Anh Vũ Minh Hiếu, phụ huynh học sinh trường THCS Giảng Võ, Ba Đình chia sẻ: “Các cháu học hết lớp 9 mà không thi được vào lớp 10 thì không biết sẽ làm gì nên cả năm nay, gia đình tôi rất lo lắng cho việc ôn luyện, chăm sóc sức khỏe cho cháu với hy vọng con sẽ đạt điểm cao và đỗ vào trường công lập. Còn học trường tư chỉ là biện pháp bắt buộc nếu trượt công lập bởi học phí trường này cao và chưa thực sự tin tưởng chất lượng đào tạo của các trường này”.

Trước sức ép của kỳ thi này, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, cần phải thay đổi nhận thức trên. Thực tế cho thấy, trong khi các trường phổ thông công lập quá tải thì hệ thống trường trung cấp, học nghề lại tuyển sinh èo uột. Tuy nhiên, để thuyết phục phụ huynh ở các thành phố lớn như Hà Nội hướng cho con em mình theo hệ học nghề thay vì phải học hết THPT vẫn là điều khó khăn do rào cản về quan điểm, cách nghĩ.

Để tác động được tới phụ huynh trong việc “phân luồng”, ông Nguyễn Hữu Độ cũng thừa nhận, các trường nghề cũng phải thay đổi theo hướng đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là vấn đề tạo việc làm cho các em sau khi ra trường như thế nào. Đây mới là yếu tố quyết định để thu hút được học sinh.  “Nếu phân luồng tốt thì bài toán áp lực vào trường công sẽ được giải tỏa”, ông Nguyễn Hữu Độ khẳng định. 

Được biết, năm nay Hà Nội có 76.000 thí sinh dự thi nhưng chỉ có 57.000 thí sinh vào công lập. Trong đó, 67% học sinh được học công lập, hơn 20% học tư thục, 5% học ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên và số còn lại học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp.

Gần 7.000 thí sinh tham dự môn thi cuối cùng 

Sáng 10-6, 6.950 thí sinh THCS ở Hà Nội tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên làm bài thi môn Tiếng Anh với thời gian là 120 phút. Để được xét tuyển vào trường THPT chuyên như: Chu Văn An, Hà Nội Amsterdam, Nguyễn Huệ, Sơn Tây, thí sinh thi bất kỳ khối chuyên nào đều phải dự thi bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và một môn chuyên.

Đây là môn thi điều kiện với học sinh muốn học khối chuyên nên theo đánh giá của nhiều học sinh, đề thi không có bài luận nên không quá khó, đề thi bám sát nội dung chương trình giáo dục THCS. Chiều 10-6 và sáng 11-6 các thí sinh tiếp tục bước vào thi các môn chuyên, dành riêng cho khối THPT chuyên tại Hà Nội.

Thí sinh có 6 ngày để nộp đơn xin phúc khảo

Theo ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, ngay sau khi kết thúc kỳ thi, Sở sẽ tiến hành chấm thi để hoàn thành điểm thi sớm nhất. Dự kiến ngày 21-6, thí sinh sẽ được biết điểm thi tuyển sinh.

Trong trường hợp thắc mắc về điểm thi, thí sinh có thể nộp đơn xin phúc khảo tại các cơ sở giáo dục, nơi thí sinh nộp hồ sơ dự thi. Thời hạn nhận đơn là từ 21 đến 28-6. Sau khi thí sinh nhận Giấy báo kết quả tuyển sinh vào lớp 10, Sở sẽ công bố điểm chuẩn vào các trường THPT chuyên vào 26-6 và điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên vào 27-6.

Các trường chuyên sẽ nhận hồ sơ trúng tuyển từ 26 đến 28-6. Trường không chuyên sẽ nhận hồ sơ trúng tuyển từ 27 đến 29-6. Nếu trường nào còn thiếu so với chỉ tiêu được giao sẽ nhận tiếp hồ sơ vào 2 ngày 1 và 2 -7. Trường ngoài công lập nhận hồ sơ trúng tuyển từ ngày 26-6 đến 2-7.