Học cách mỉm cười và đón nhận mọi chuyện xảy đến

ANTD.VN - Từ nhỏ được sống trong một gia đình giàu có, đầy đủ và được bố mẹ chiều chuộng nên cậu bé Leo luôn coi mình là nhất.

Bất cứ việc gì không hài lòng là Leo luôn dằn hắt và cáu gắt, thường xuyên khóc lóc mè nheo để được tuyệt đối theo ý mình. Càng lớn Leo càng đòi hỏi nhiều hơn thậm chí cả những điều vô lý vì biết bố mẹ luôn chiều theo ý muốn của mình.

Leo thích gì thì làm nấy, không thích thì ai bảo gì cũng nhất quyết không nghe. Đến bữa ăn nếu không có món cậu thích thì ngay lập tức Leo bỏ bữa và giận bố mẹ. Ở lớp nếu các bạn có lỡ làm Leo phật ý, cậu lập tức bỏ về nhà không học nữa. Cả nhà đang đi dã ngoại, Leo lỡ chân ngã xuống vũng bùn bẩn hết quần do bố đỡ không kịp, cậu lập tức đòi về bằng được mặc bố mẹ nói ra sao. Mặc dù được chiều chuộng nhưng Leo luôn luôn không hài lòng và thường xuyên phàn nàn, cáu kỉnh.

Lên trung học, bố mẹ Leo không may bị tai nạn qua đời và vì không có họ hàng nên Leo phải chuyển vào trại trẻ mồ côi sống. Mặc dù không còn được chiều chuộng và cuộc sống không còn thoải mái nữa nhưng dường như tính khí Leo không hề thay đổi, vì thế chẳng có ai muốn làm bạn với cậu. Cô độc, Leo càng trở nên hay phàn nàn, kêu ca và cáu gắt.

Một ngày nọ, có một nhóm các nhà thiền sư đến trại trẻ mồ côi làm công tác từ thiện, họ ở lại  trong trại trẻ một thời gian để chăm sóc các em nhỏ bị bệnh, giúp đỡ các công việc hàng ngày của trại trẻ. Một nhà thiền sư già đã nhận ra vấn đề của Leo - cậu bé luôn cau có và bị cô lập một mình. Chiều hôm ấy, Leo từ trường về nhà trong bộ dạng bực bội chực khóc, bộ quần áo cậu mặc ướt sũng nước mưa còn đôi giày thì ngập trong bùn.

Vị thiền sư già đến bên Leo và hỏi han, ngay lập tức Leo tuôn một tràng: “Cháu đang đứng chờ xe  buýt thì trời bỗng đổ mưa, cái ô bị gió đập gẫy luôn nên mưa ướt hết quần áo. Rồi đứng chờ mãi xe buýt mới tới, lại đông kín người, cháu không thể chen lên được, đến chiếc thứ ba mới chen nổi thì không còn chỗ ngồi nên phải đứng suốt dọc đường về đến tê cả chân trong xe buýt ngột ngạt. Chưa hết vừa xuống đến bến, cháu lại bị mấy người đi vội xô vào vũng bùn lầy ngập hết cả đôi giầy. Vừa bẩn thỉu, vừa ướt vừa rét, bực bội, cháu không thể chịu nổi cái cuộc sống này”. 

Vị thiền sư nhẹ nhàng bảo: “Để ta đi lấy nước cho cháu rửa mặt cho sảng khoái, sẽ thấy đỡ bực nhanh thôi”, nói rồi vị thiền sư lấy hai chậu nước mang lại bàn, ông mở tủ lạnh lấy một khay đá và thả vào một chậu nước. Vị thiền sư bảo Leo hãy nhúng tay lần lượt vào hai chậu nước rồi cho ông biết chúng thế nào. Leo cho tay vào chậu nước thường thì bảo nó mát, rồi cậu kêu lạnh quá khi cho tay vào chậu nước đá. Vị thiền sư lại bảo cậu cho tay lần hai vào chậu nước thường, lúc này cậu bé ngạc nhiên thốt lên: “Ôi sao nước trong chậu này lại biến thành nước ấm thế ạ?”.

Vị thiền sư cười đáp: “Nhiệt độ của nước trong chậu không hề thay đổi, đó chỉ là do cách cháu cảm nhận nó mà thôi. Cũng như trong cuộc sống, khi chúng ta gặp khó khăn, giống như việc chúng ta phải cho tay vào chậu nước lạnh buốt, nhưng chính điều đó giúp ta hiểu được giá trị của lúc bình yên, là khi ta cho tay vào chậu nước mát kia nó đã trở thành ấm áp. Như hôm nay cháu đã gặp rắc rối nhưng cháu hãy thử nghĩ mà xem, phải có những ngày mưa gió rét mướt cháu mới thấy những ngày nắng ấm thật tuyệt vời biết bao. Phải có những khi chen chúc chật chội trên xe buýt, cháu mới thấy có được một chỗ ngồi yên tĩnh trong vườn nhà là một hạnh phúc. Phải bị đi một đôi giày ngập bùn nhắc nhở cháu biết giữ gìn chúng khi còn sạch sẽ. Cuộc sống là như vậy, hãy học cách luôn mỉm cười và đón nhận mọi việc xảy đến như là cách để ta nhận ra những điều tốt đẹp ở quanh mình”.