Hỗ trợ vốn vay ưu đãi dành riêng cho người khuyết tật

ANTD.VN - Hôm nay (12-4), Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hội thảo chính sách, giải pháp tín dụng phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật.

Những sản phẩm được làm bởi người khuyết tật thu hút sự quan tâm chú ý

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, cả nước có khoảng 7,6 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số. Nguyên nhân do hậu quả của các cuộc chiến tranh, già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều vấn đề xã hội khác. Dự báo trong những năm tới, số lượng người khuyết tật sẽ tiếp tục gia tăng.

Phần lớn người khuyết tật sống ở nông thôn (chiếm 87,27%), có khoảng 65% người khuyết tật trong độ tuổi lao động và khoảng 40% người khuyết tật còn khả năng lao động. Trong số này, mới có 30% đang tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân và gia đình.

Như vậy, tại Việt Nam còn hàng triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động cần được hỗ trợ dạy nghề và vay vốn tạo việc làm.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng hiện nay, công tác hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù đã huy động được nhiều tổ chức, lực lượng tham gia dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chưa thường xuyên. Bên cạnh đó, các nguồn vốn ưu đãi dành riêng cho người khuyết tật còn hạn chế.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, Ngân hàng Chính sách xã hội đang cho người khuyết tật và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật vay vốn chủ yếu thông qua nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn từ nhà tài trợ Nippon. Hiện, chưa có nguồn vốn dành riêng cho vay đối với người khuyết tật để phát triển kinh tế. 

Theo các nhà nghiên cứu, để người khuyết tật, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục xem xét, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước.

Bên cạnh đó, xem xét, bố trí nguồn vốn để dành riêng cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật.