Hình phạt cho người chồng say xỉn hành hạ vợ đến bước đường cùng

ANTD.VN - Nguyễn Văn Q (SN 1975) và chị Hoàng Ái B (SN 1978) kết hôn đã được 15 năm và có 3 người con. Gần đây Q thường xuyên uống rượu say sau đó về nhà đập phá đồ đạc và đánh đập chị B rất dã man. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Mỗi khi không lo được tiền cho chồng uống rượu, chị B lại phải gánh chịu những lời lăng mạ cùng trận đòn quái ác của Q. Có lần Q còn kéo chị B ra đầu làng và làm nhục. Do phải chịu quá nhiều uất ức và tủi nhục, chị B đã chọn cách nhảy xuống sông tự tử. Tuy nhiên, chị đã may mắn được hàng xóm cứu sống.

Vấn đề đặt ra trong tình huống này là Nguyễn Văn Q có phạm tội hay không?

Ý kiến bạn đọc

Không phạm tội 

Theo thông tin của vụ việc, việc Nguyễn Văn Q thường xuyên uống rượu say, sau đó về đập phá đồ đạc trong gia đình và đánh đập vợ dã man là vi phạm các quy định về phòng chống bạo lực gia đình tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình.

Việc chị Hoàng Ái B chọn cách nhảy xuống sông để tự sát là hành vi mang tính nhất thời, thiếu suy nghĩ. Tuy nhiên may mắn là chị đã được hàng xóm cứu sống. Tôi cho rằng đây là hành động dại dột của chị B bởi thay vì nhảy xuống sông, chị có thể báo cáo với chính quyền để xử lý Nguyễn Văn Q về hành vi bạo lực trong gia đình. Do chị B không chết nên theo tôi không thể xử lý hình sự mà chỉ có thể xử lý hành chính đối với Nguyễn Văn Q. 

Đinh Quang (Hoa Lư - Ninh Bình)

Phạm tội bức tử

Theo tôi, trong vụ việc này Nguyễn Văn Q đã phạm tội bức tử. Theo quy định của pháp luật, bức tử là hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm cho người đó tự sát. Trong vụ việc này Nguyễn Văn Q không chỉ thường xuyên ức hiếp vợ mình mà còn có hành vi ngược đãi và làm nhục chị Hoàng Ái B.

Điều này được thể hiện qua việc Q thường xuyên uống rượu say sau đó về đập phá đồ đạc trong gia đình và đánh đập chị B rất dã man, thậm chí Q còn kéo chị B ra đầu làng và làm nhục. Chính bởi những hành động này của Q đã khiến cho chị B không chịu đựng nổi và phải tự sát. Vì vậy theo tôi đã đủ cơ sở để khẳng định Nguyễn Văn Q đã phạm tội bức tử với vợ mình và cần phải xử lý Q nghiêm minh theo pháp luật.

Nguyễn Thu Uyên (Hà Trung - Thanh Hoá)

Phạm tội giết người nhưng chưa đạt

Giết người là hành vi cố ý tước đoạt sự sống của người khác một cách trái pháp luật. Theo quy định của pháp luật, hậu quả chết người không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội này mà nó chỉ là dấu hiệu để xác định tội phạm hoàn thành. Nếu hậu quả chết người không xảy ra do nguyên nhân chủ quan thì hành vi phạm tội được coi là giết người chưa đạt.

Trong vụ việc này, những hành vi đánh đập, ngược đãi, thậm chí làm nhục chị B của Nguyễn Văn Q chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc chị B phải tự tử. Theo tôi đây là một thủ đoạn giết người một cách tinh vi. Việc chị B được hàng xóm cứu sống là nằm ngoài dự định của chị B cũng như của Nguyễn Văn Q. Do vậy, theo tôi hành vi của Nguyễn Văn Q trong vụ việc này là phạm tội giết người nhưng ở mức chưa đạt.

Hoàng Trung Thành (Con Cuông - Nghệ An)

Bình luận của luật sư

Qua các tình huống trong vụ việc này có thể thấy, trong trường hợp nếu Nguyễn Văn Q thực hiện hành vi ngược đãi, đối xử tồi tệ đối với chị Hoàng Ái B mà có chủ đích với mong muốn để chị B tự sát thì Nguyễn Văn Q sẽ phạm tội giết người với thủ đoạn đặc biệt quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, do chưa xác định được việc Q thực hiện hành vi ngược đãi, đối xử tồi tệ đối với chị B là có chủ đích với mong muốn để chị B tự sát hay không, hơn nữa, do chị B và Q có quan hệ vợ chồng nên trong trường hợp này chúng tôi cho rằng Nguyễn Văn Q phạm tội bức tử được quy định tại khoản 1, Điều 130 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, khách thể bị xâm hại ở đây là tính mạng của chị Hoàng Ái B. Mặc dù Nguyễn Văn Q không trực tiếp thực hiện hành vi tước đoạt sinh mạng của chị B, nhưng lý do dẫn đến hành vi tự sát của chị B hoàn toàn xuất phát từ những hành vi hành hạ, đánh đập, lăng mạ, làm nhục trong suốt một thời gian dài của Q. Pháp luật quy định, chủ thể trong tội bức tử là những người có quan hệ lệ thuộc nhất định với nạn nhân. Trường hợp này, chị B có mối quan hệ lệ thuộc với Q về hôn nhân, gia đình mà cụ thể ở đây là quan hệ vợ chồng.

Về mặt khách quan của tội phạm: Hành vi của Q thể hiện ở việc thường xuyên ngược đãi đối với chị B, khi uống rượu say về thì đập phá đồ đạc trong gia đình và đánh vợ rất dã man. Mỗi khi chị B không lo được tiền rượu cho chồng thì lại phải gánh chịu những lời lăng mạ tồi tệ cùng những trận đòn quái ác của Q. Có lần chưa hả dạ Q còn kéo chị B ra đầu làng và làm nhục chị.

Chị B là vợ và lệ thuộc vào người chồng là Q, lẽ ra Q phải yêu thương và đối xử tốt với chị B, thế nhưng Q luôn có những hành động cũng như lời nói xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm của chị B. Những hành vi này không chỉ diễn ra một lần mà nhiều lần, thường xuyên trong suốt một thời gian dài. Do hành vi thường xuyên đối xử tàn ác của Q nên đã dẫn tới hậu quả là chị B đã có hành vi tự tước đoạt tính mạng của chính mình, đó là nhảy xuống sông tự sát.

Theo quy định của pháp luật, quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hành động tự sát của nạn nhân là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Chính những hành vi thường xuyên đối xử tàn ác ngược đãi, làm nhục của Q đối với chị B làm cho bản thân chị B rơi vào tình trạng đau khổ uất ức và tủi nhục, bị hành hạ cả về thể xác và tinh thần. Điều này đã thúc đẩy chị B có hành vi tự tước đoạt tính mạng của chính mình khi nhảy xuống sông để tự sát. Như vậy, hành vi của Nguyễn Văn Q chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra hành vi tự sát của chị B.

Về mặt chủ quan của tội phạm: Ở tội bức tử, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý gián tiếp hoặc lỗi vô ý do quá tự tin. Trong suốt thời gian dài Q đã có những hành vi đánh đập, mắng chửi, làm nhục chị B. Khi thực hiện những hành vi nói trên, Q hoàn toàn có khả năng nhận thức được rằng, những hành vi đó có khả năng làm chị B bị tổn hại nặng nề không những về thể xác mà còn cả về mặt tinh thần và rất có thể dẫn đến tự sát. Nếu trong trường hợp này Q không mong muốn cho hậu quả xảy ra mà chỉ có ý thức bỏ mặc chị B tự sát, chấp nhận việc đó thì lỗi của Q là lỗi cố ý gián tiếp. Còn nếu Q quá tự tin cho rằng dù mình có hành hạ, đánh đập chị B đến đâu thì chị B cũng không dám tự sát thì lỗi của B ở đây là lỗi vô ý do quá tự tin. 

Về ý kiến cho rằng chị B nhảy xuống sông tự sát nhưng được hàng xóm cứu không chết nên không thể coi là Q đã phạm tội. Để giải đáp vấn đề này, chúng ta cần phân tích về hậu quả của tội bức tử để xác định việc tự sát nhưng không chết của chị B có làm thay đổi trách nhiệm hình sự mà B phải chịu hay không.

Tội bức tử được quy định tại Bộ luật Hình sự là tội có cấu thành vật chất, cho nên hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Cụ thể, hành vi khách quan của người phạm tội phải dẫn đến hậu quả là làm cho nạn nhân tự sát. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng hậu quả mà tội bức tử đòi hỏi người phạm tội gây ra chỉ là làm cho nạn nhân tự sát chứ không đòi hỏi nạn nhân chết.

Tức là, chỉ cần nạn nhân có hành vi tự sát là tội phạm đã hoàn thành và người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này. Xét cụ thể trong tình huống trên, do quá uất ức và tủi nhục bởi sự đối xử tàn ác và hành vi làm nhục của chồng mình mà chị B đã nhảy xuống sông tự sát. Hành động tự sát của chị B đã thỏa mãn đòi hỏi của tội bức tử về hậu quả của tội phạm.

Việc tự sát đó có dẫn đến cái chết cho chị B hay không không phải là dấu hiệu trong cấu thành tội phạm của tội bức tử, cũng không phải là tình tiết định khung tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, và do vậy không liên quan đến việc giải quyết trách nhiệm hình sự của Q trong trường hợp này. Như vậy, việc chị B tự sát nhưng được hàng xóm cứu nên không chết (hậu quả chết người không xảy ra) thì hành vi của Q vẫn thỏa mãn các dấu hiệu của tội bức tử và Q vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội bức tử theo khoản 1, Điều 130 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng Văn phòng luật sư Hùng Mạnh

Điều 130. Tội bức tử 

1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:

a) Đối với 2 người trở lên;

b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.