Hậu quả khôn lường từ thói quen ngoáy tai

ANTĐ - Hỏi: Tôi thường có thói quen ngoáy tai, cứ ngứa tai là ngoáy, tắm xong cũng ngoáy. Xin hỏi bác sĩ, điều này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?

Trả lời: Mọi người từ già đến trẻ thường có thói quen ngoáy tai, cho rằng làm như thế là vệ sinh tai. Tuy nhiên ít người biết rằng đó là thói quen rất tai hại cho sức khỏe, nhất là các dụng cụ không an toàn và người thực hiện thiếu kiến thức về y khoa. Ngoáy tai nhiều gây rách, trầy xước lớp da bảo vệ thành ống tai làm cho vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào tổ chức liên kết nằm bên dưới lớp da gây viêm ống tai.  Ngoáy tai cũng có thể đưa thêm vi khuẩn, nấm từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào da ống tai. Khoa Cấp cứu Bệnh viện tai mũi họng Trung ương cũng đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân ngoáy tai bằng que sắt lấy từ một cái ô hỏng, khi đang ngoáy bị cháu xô phải, xuyên thẳng vào trong tai trong hoặc não gây tổn thương nặng nề.

Ngoáy tai rất dễ dẫn đến viêm ống tai. Triệu chứng ban đầu của viêm ống tai là ngứa tai, ngứa tai ngày càng tăng dần đặc biệt nếu ngoáy tai nhiều, sau đó bệnh nhân có biểu hiện tức tức trong ống tai rồi bắt đầu cảm giác đau tai, ngày càng tăng, đau nhức nhối, dữ dội, đau lan lên đầu, nhất là khi bệnh nhân nhai hoặc ngáp. Trường hợp nặng có thể xuất hiện sốt 38 - 39ºC, sưng tấy nửa mặt bên tai đau, chạm nhẹ vào tai cũng đã đau.

Ráy tai cũng có công dụng riêng của nó. Cụ thể là ráy được hình thành do chất nhờn trong tai trộn lẫn với các tế bào chết. Nó đóng vai trò như một “vệ sĩ” ngăn chặn côn trùng, bụi bặm… đe dọa thính giác. Do đó, việc ngoáy tai sẽ vô tình đẩy cục ráy càng lúc càng vào sâu hơn dần dần gây tích tụ nhiều, tạo nên nút ráy tai và đây mới chính là nguyên nhân khiến thính giác càng lúc càng kém.

Viêm ống tai ngoài là bệnh rất hay tái phát nếu vẫn giữ thói quen ngoáy tai khi ngứa. Vì vậy nếu thấy ngứa tai khi bơi do nước vào tai, chỉ nên nghiêng đầu về phía bên đó một lúc đồng thời kéo vành tai chúc xuống cho nước chảy hết ra ngoài là được, chứ không nên tìm mọi cách để ngoáy tai. Khi thấy tai bị ngứa tức là đã xuất hiện dấu hiệu của viêm, lúc này cần nhỏ thuốc dành cho tai ngoài khoảng 3 ngày, nếu không đỡ cần đến khám ngay bác sỹ. Vì nếu bị viêm tai ngoài nặng thì phải dùng kháng sinh, kháng viêm toàn thân kết hợp với giảm đau và làm thuốc tai tại chỗ.