Hành trình kỳ diệu của người phụ nữ chiến thắng căn bệnh ung thư giai đoạn cuối

ANTD.VN - "Tôi phải sống vì những người thân xung quanh mình, vì những người dành sự yêu thương cho tôi chưa một lần thôi hy vọng, đó chính là lí do tôi phải chiến đấu đến cùng với căn bệnh ung thư này", đây là lời khẳng định khát vọng sống mãnh liệt của bà Lê Bích Hảo (62 tuổi), người phụ nữ đã chiến thắng căn bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối. 

Bà Lê Bích Hảo (trú tại số 124 đường Lê Lợi, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn), người phụ nữ đã chiến thắng căn bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Ảnh: Đức Huy

Ca cấp cứu trong đêm

Lần đầu tiên tôi gặp bà Lê Bích Hảo là tại Giải võ thuật Cup các CLB Tài năng trẻ Việt Nam - Hà Nội mở rộng năm 2019. Nhìn bề ngoài thật khó mà tin rằng người phụ nữ này từng mang trong mình một khối u ác tính. Phải cho đến lúc trò chuyện, tôi mới biết rằng, đằng sau nụ cười đầy viên mãn đó là cả một quá trình kiên cường giành giật sự sống từ tay thần chết.

Bà Lê Bích Hảo cùng chồng mình, ông Hoàng Văn Hoa (SN 1954), mở một hiệm làm tóc tại thành phố Lạng Sơn từ năm 1979 cho đến nay. Hưởng ứng phong trào thể dục thể thao tại tỉnh Lạng Sơn, năm 1999, bà Hảo tham gia một lớp Thái cực quyền và dành trọn tình yêu cho bộ môn đó.

Vậy nhưng điều không may đã ập đến với bà Lê Bích Hảo ở tuổi 58. Bà Hảo bắt đầu thấy mình có những cơn đau bụng quẳn quại khi tập: ”Có một hôm tôi đang tập, vì đau bụng quá nên phải gọi xe cấp cứu, nhưng bệnh viện tỉnh Lạng Sơn chỉ nói rằng tôi bị viêm đại tràng. Tôi chủ quan nên không xuống Hà Nội để kiểm tra kỹ”.

Khi những cơn đau ngày một tăng và vượt quá sức chịu đựng của bản thân, anh Viện (con bà Hảo) đã đưa bà xuống viện K Tân Triều (cơ sở 3, tại Hà Đông, Hà Nội) để kiểm tra. Lúc này cả gia đình mới choáng váng với kết quả: Bà Hảo đang bị ung thư đại tràng giai đoạn 3B. Trong ổ bụng của bà đang chứa 14 cái hạch và cần phải chuyển tới phòng cấp cứu ngay trong đêm ngày 3-2-2017.

Bà Hảo lặng đi đôi giây, mắt bà nheo lại vời gọi những mảnh ký ức tại bệnh viện K Tân Triều 2 năm về trước. Bà bước vào và cảm thấy một chân mình như đã đặt vào “cửa tử”. Một thế giới khác như mở ra. Những đứa bé, những đôi vợ chồng trẻ, những khuôn mặt tiều tụy và xám xịt, căn bệnh ung thư quả thật là đáng sợ. Nó bòn rút tất cả những giọt sức sống cuối cùng của con người.

Hai lần phẫu thuật, 8 lần truyền hóa chất

Trong vòng 2 năm kể từ cái ngày định mệnh 3-2-2017, bà Hảo đã phải trải qua 2 lần phẫu thuật cùng với 8 lần truyền hóa chất. Biết bao đau đớn đã dồn cả lên thân hình ấy, để đến bây giờ, khi bà Hảo nhớ lại nó, cảm giác kinh hãi khiến cổ họng bà nghẹn bứ. Bà kể lại: "Lúc tôi vào viện là 56kg, vậy mà đến lúc mổ xong chỉ còn đúng 45kg, khuôn mặt thì phù thũng mà tay chân thì chỉ còn da bọc xương".

Năm 2017, lúc nhập viện lần đầu, BS. Phạm Thế Anh (Trưởng khoa Gan Mật bệnh viện K Tân Triều) là người thực hiện ca mổ cho bà Lê Bích Hảo. Trong lần mổ này, các bác sĩ cần phải phẫu thuật cắt đại tràng ngang và vét toàn bộ 14 cái hạch trong đại tràng.   

Năm 2018, đúng vào 28 Tết Âm lịch, bà Hảo bị một cơn đau dữ dội và ngay lập tức phải từ Lạng Sơn xuống bệnh viện K Tân Triều để mổ. Chặng đường đến viện K chỉ có 3 tiếng nhưng đối với bà như dài cả niên: “Có những lúc tôi khó thở, phải dừng xe lại để nghỉ, đau bụng quá không chịu được”.

Mọi thứ chưa dừng lại tại đó, sau khi mổ đại tràng lần 2, khả năng xảy ra dính ruột là rất cao. Để tránh trường hợp này, các bác sĩ đã đưa ra một cách duy nhất là tập vận động đều đặn hằng ngày. Từ đó bà Hảo đã lại tìm đến thể dục và coi nó như một liều thuốc quý để chữa bệnh.

Ngay cả trong thời gian điều trị, mỗi buổi sáng, bà Hảo đều cố gắng đi cầu thang bộ từ tầng 7 xuống tầng 1. Không ít người nhìn bà và lạ lùng hỏi: "Sao bà không đi thang máy cho nhanh?". Thế rồi, bà Hảo cười và đáp lại: "Đây là cách tôi rèn luyện sức khỏe và chiến đấu với bệnh tật."

Bí quyết để chiến thắng căn bệnh quái ác

Các bác sĩ khoa Gan Mật tại bệnh viện K Tân Triều đã cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi theo dõi kết quả khám sức khỏe định kỳ của bà Hảo. Một phép màu đã xảy ra với người phụ nữ này ở tuổi 60.

Đó chính là phép màu đến từ khát vọng sống. Bà Hảo nói với tôi rằng: ”Nhìn nhiều người trẻ bị ung thư mà tôi cảm thấy rất thương xót. Cả cuộc đời trước mắt như tan thành mây khói. Tôi đã nhìn lại chính mình rồi không còn cảm thấy bi quan nữa. Cảm giác như có một động lực thôi thúc tôi phải sống”. Bà phải sống vì con cháu, vì họ hàng, vì những người thân yêu và vì đồng đội của bà. Khát vọng sống trào dâng trong người phụ nữ này mà tôi thấy thật ngưỡng mộ biết bao. Hành trình của bà Lê Bích Hảo là hành trình "hồi hương từ cõi chết". Bà đi tìm sự sống ngay tại những giai đoạn đau đớn nhất của cuộc đời.

Phép màu còn được tạo ra bởi việc bà Hảo rèn luyện cơ thể hằng ngày. Như một thường lệ, bà Hảo đều thức dậy từ 4h sáng, vệ sinh cá nhân, sau đó bà pha một chai nước mật ong ngâm gừng để lúc đi tập uống. Bà bắt đầu tập luyện từ 5h sáng cho đến 7h sáng mỗi ngày. Bộ môn bà dành trọn tâm huyết để theo đuổi là Thái cực quyền. Đây là một bộ môn cho phép con người đạt được độ linh hoạt, dẻo dai cùng với đó là sự sảng khoái khi khí huyết được lưu thông. 

Bà Lê Bích Hảo tham dự buổi Giao lưu Văn nghệ - Võ cổ truyền tại Lạng Sơn (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bà Lê Bích Hảo tập luyện bộ môn Thái cực quyền (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bà Hảo chia sẻ rằng: ”Tôi thấy rất buồn khi nhiều bạn trẻ hiện nay không chịu tập thể dục thể thao và phải đến lúc đổ bệnh rồi mới thấy hối tiếc”. Thể dục thể thao chính là cách để rèn luyện cơ thể tốt nhất, bất cứ lứa tuổi nào cũng phải rèn luyện để củng cố sức đề kháng. Đây chính là liều thuốc quý báu nhất chống lại mọi bệnh tật.

Thể dục thể thao chính là cách tốt nhất để chống lại bệnh tật, để có một cơ thể khỏe mạnh hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong một xã hội đang xoay quanh nền kinh tế tri thức ít phải lao động tay chân như hiện nay, việc lười tập thể dục diễn ra rất phổ biến. Đi từ câu chuyện của bà Lê Bích Hảo, thể dục thể thao chính là thần dược.