Hành trình đi tới "ánh sáng" của chàng sinh viên khiếm thị

ANTD.VN - Hàng ngày, tại bến xe bus cạnh trường Đại học khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), hình ảnh một chàng trai khiếm thị chờ đợi xe bus đã để lại  ấn tượng với bao người. Đó là sinh viên Võ Văn Vỵ, sinh viên K60 khoa Công tác xã hội, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Vỵ sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Hà Tĩnh.

Hành trình đi tới “ánh sáng” cuộc sống

Từ một đứa trẻ khỏe mạnh bình thường, Vỵ giảm thị lực dần từng ngày sau ngày một vụ tai nạn. Tuy vậy, với ý chí mạnh mẽ và  tinh thần ham học, Vỵ vẫn đến trường đi học cùng bạn bè. Vỵ cố gắng học hành bằng cách dùng bút đậm để có thể nhìn rõ hơn nhưng được một thời gian thì nghỉ hẳn vì không có thiết bị hỗ trợ.

Chàng sinh viên Võ Văn Vỵ và hành trình đi tới "ánh sáng"

Một sáng thức dậy, Vỵ nhận ra cả thế giới xung quanh mình chỉ toàn là một màu đen, không một chút ánh sáng khiến Vỵ vô cùng hoang mang, lo sợ. Sốc trước việc mình hoàn toàn không thể nhìn thấy chỉ sau một đêm, Vỵ chán nản, không muốn gặp và nói chuyện với ai nữa.

Tuy nhiên, cuộc đời của Vỵ hoàn toàn thay đổi khi Vỵ tham gia vào Hội người mù Hà Tĩnh, ở đó, Vỵ đã tìm thấy những lẽ sống cho riêng mình. Từ đây, Vỵ bắt đầu học và làm việc kiếm tiền để tự trang trải cho cuộc sống của chính bản thân mình. Nhờ chăm chỉ và thái độ làm việc nhiệt tình, tích cực, Vỵ đã được Hội cử đi Sài Gòn để học thêm, tăng trình độ bản thân. 

Vỵ cũng chia sẻ, sau khi từ Sài Gòn trở về, chứng kiến nhiều người khiếm thị như mình nhưng vẫn cố gắng tiếp tục ước mơ hoài bão, Vỵ cũng tự nhủ rằng: “ Mọi người làm được thì mình cũng có thể làm được”.

Vỵ ra Hà Nội với ý muốn tiếp tục con đường học hành đang dang dở của mình. Vỵ đã chọn ngôi trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và tham gia Câu lạc bộ Hoa Đá- nơi có những hoạt động tích cực trong việc trợ giúp sinh viên khuyết tật trong trường. 

Cuộc sống của Vỵ càng khó khăn hơn khi bắt đầu đi học trở lại. Dù Vỵ đã được nhà trường miễn học phí nhưng Vỵ vẫn đi làm để tự trang trải sinh hoạt phí thường ngày của mình. Ngày đi học còn tối về đi làm ở Cơ sở tẩm quất người mù ở Hoàng Quốc Việt- Cầu Giấy, giờ đây, Vỵ phải cân bằng cả việc học lẫn đi làm nên gặp khá nhiều áp lực.

Suy nghĩ lạc quan của anh chàng khiếm thị

Dù mất đi đôi mắt nhưng Vỵ lại cảm nhận được rõ hơn tình cảm tốt đẹp mà mọi người dành cho mình, cảm nhận được sự yêu thương của bố mẹ, cảm nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè trong lớp, của các thành viên trong gia đình Hoa đá và Vỵ cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.

“Bởi vậy, đôi khi việc học, việc làm, các khó khăn cứ ùa tới làm mình như muốn buông bỏ tất cả, nhưng chỉ cần nghĩ tới sự yêu thương của bố mẹ, sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè là mình lại muốn tiếp tục cố gắng, tiếp tục đi học và muốn phấn đấu trở thành một người có ích cho xã hội”, Vỵ chia sẻ.

Chị Hoàng Thị Huyền Nhung - Chủ nhiệm CLB Hoa đá Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn chia sẻ: “ Vỵ tạo ấn tượng cho tôi vì sự nhiệt tình, tâm huyết, tinh thần lạc quan. Anh luôn hòa đồng với mọi người, tích cực đóng góp, xây dựng ý kiến cho sự phát triển của Hoa Đá. Anh luôn cố gắng tham gia các hoạt động tình nguyện của câu lạc bộ và luôn làm việc nghiêm túc để cho mọi người thấy rằng anh vẫn có thể tự mình làm tốt mọi thứ. Sự nỗ lực và ý chí vươn lên của anh từ lâu đã trở thành động lực để bản thân tôi cũng như các thành viên trong câu lạc bộ phấn đấu và cố gắng học tập và rèn luyện”.