Hạnh phúc từ mảnh vỡ

ANTĐ - Được mẹ giao trông nhà khi đi đón hai em, cô bé 12 tuổi Nina vô cùng thích thú. Thường thì khi mẹ đi vắng, cô bé sẽ tha hồ lục ngăn kéo đồ trang điểm của mẹ.

Hôm đó, đang say sưa với những chiếc nhẫn, khuyên tai, vòng hạt và những cây son, bỗng Nina phát hiện ra một chiếc hộp nhỏ màu bạc rất xinh xắn ở góc trong ngăn kéo. Tò mò mở ra xem, Nina ngạc nhiên khi thấy trong đó chỉ là những mảnh vỡ bằng sứ màu trắng.

Tối hôm ấy, khi mẹ đang dọn bàn ăn cho cả nhà thì cô hàng xóm sang chơi. Nhìn bàn ăn được bày biện đẹp đẽ với những bộ đồ ăn mới tinh, cô hàng xóm tưởng nhà có khách nên vội chào ra về, song mẹ Nina nói đó chỉ là bữa tối cuối tuần của cả gia đình. Cô hàng xóm ngạc nhiên thắc mắc tại sao nhà toàn trẻ con mà mẹ Nina lại dọn toàn đồ sứ đẹp như thế vì lũ trẻ sẽ làm sứt mẻ hết. Mẹ Nina mỉm cười: “Cứ đến cuối tuần cả nhà tôi mới tụ tập đầy đủ. Vài cái đĩa vỡ là cái giá không đáng kể phải trả để đổi lại niềm vui cho gia đình. Ở nhà tôi, mỗi mảnh vỡ đều có một kỷ niệm”.

Rồi mẹ Nina chỉ vào một tủ bát đĩa, kể: “Cái đĩa vỡ này là khi tôi sinh Nina, anh Mark vào bếp nấu nướng và vụng về đánh đổ cả đĩa trứng xuống sàn. Cái bát sứt kia là khi hai cậu nhóc sinh đôi lên 6 tuổi giành nhau rửa bát giúp mẹ lúc tôi bị ốm nên đã tuột tay. Rồi cái tô sứt này là do con bé Nina lúc lên 7 tuổi nằng nặc đòi giúp mẹ việc nấu nướng, nó làm vỡ khi đang khệ nệ bê ra bàn ăn. Tôi lúc đầu cũng bực mình lắm nhưng rồi tự nhủ mình không thể vì chuyện những cái bát đĩa vỡ mà làm mất đi không khí đầm ấm của gia đình". 

Cầm lấy một chiếc đĩa cũ có hoa văn cổ bị vỡ một miếng lớn, mẹ Nina đưa cho cô bạn rồi nói: “Khi tôi 18 tuổi, một thanh niên hiền lành và tốt bụng tới trang trại của bố tôi để giúp việc trong mùa hè. Một hôm, các anh trai tôi đã mời anh ấy tới ăn tối. Anh ấy ngồi cạnh tôi trong bữa ăn, và lúc anh ấy nhờ tôi lấy hộ thức ăn, tim tôi đã đập mạnh và tay tôi run đến nỗi đánh rơi chiếc đĩa vào chiếc khác và làm nó mẻ một miếng khá lớn. Khi ra về, anh ấy nắm tay tôi, đặt mảnh đĩa vỡ vào, không nói gì hết chỉ cười. Một năm sau, chúng tôi cưới nhau và cho đến giờ cứ khi nào nhìn cái đĩa này chúng tôi lại thích thú nhớ đến chuyện xưa..”.

Nina nghe câu chuyện của mẹ, cô bé nhớ ngay đến những mảnh đĩa trong chiếc hộp ở ngăn kéo phòng mẹ. Chờ lúc thích hợp, cô bé lấy ra và ghép vào từng chiếc bát đĩa sứt, thích thú khi tìm được mảnh ghép vừa khít. Lần đầu tiên cô bé 12 tuổi cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ.

Thật vậy, hạnh phúc đôi khi đến từ những điều nhỏ nhặt, những khoảnh khắc vui đùa, những mẩu kỷ vật tưởng chừng như vô dụng vậy thôi!