Hàng loạt trường hợp công chức không được giải quyết thôi việc

ANTD.VN -Nghị định 46/2010/NĐ-CP quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức nêu rõ các trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc và không được giải quyết thôi việc. 

4 trường hợp công chức không giải quyết thôi việc

Theo Nghị định 46/NĐ-CP, công chức được hưởng chế độ thôi việc trong các trường hợp: Theo nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý hoặc do 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ, công chức.

Khi thôi việc, công chức sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc như sau: Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng, gồm mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng 1 tháng lương hiện hưởng.

Trường hợp thôi việc theo nguyện vọng, công chức phải làm đơn gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho công chức thôi việc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định thôi việc bằng văn bản; nếu không đồng ý cho công chức thôi việc thì trả lời công chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định tại điểm c khoản này.

Tuy vậy, trong một số trường hợp, công chức không được giải quyết thôi việc. Đó là khi công chức đang trong thời gian thực hiện việc luân chuyển, biệt phái, đang bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết với cơ quan, tổ chức, đơn vị khi được xét tuyển.

Bên cạnh đó, công chức chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị; Do yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc chưa bố trí được người thay thế cũng không được giải quyết thôi việc.

Từ năm 2021: Cán bộ, công chức được trả lương theo vị trí việc làm

Theo Luật Viên chức 2010, đối với viên chức, vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng; là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Còn theo Luật Cán bộ, công chức 2008, vị trí việc làm của cán bộ công chức là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nghị quyết 27/NQ-TW do Bộ Chính trị ban hành, về nội dung cải cách tiền lương nêu rõ, xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Tiền lương thực trả gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định trên cơ sở nguồn thu (từ ngân sách nhà nước, từ nguồn thu của đơn vị), năng suất lao động, chất lượng công việc và hiệu quả công tác theo quy chế trả lương của đơn vị, không thấp hơn chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Như vậy, thay vì dựa theo thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại, từ năm 2021, việc trả lương theo vị trí việc làm thể hiện đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng nhu cầu công việc của cán bộ, công chức, viên chức.

Cũng theo Nghị quyết 27, lương cơ bản sẽ chiếm 70% quỹ tiền lương và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30%.