Hàng loạt khách hàng bị lộ thông tin khi đi máy bay: Ai chịu trách nhiệm?

ANTD.VN -Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, nhiều bạn đọc phản ánh về tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân sau khi mua vé máy bay. Mặc dù hiện tượng này tuy không mới song diễn ra ngày càng nhiều không chỉ gây phiền toái cho hành khách mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về vấn đề an ninh, an toàn…

Khi taxi nắm trọn lịch trình bay của khách

Anh Trần Quang Hải ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, do phải đi công tác thường xuyên nên anh thường di chuyển bằng máy bay của nhiều hãng khác nhau. Tuy vậy, hầu như lần nào, trước thời điểm khởi hành 1 ngày anh Hải cũng nhận được những tin nhắn rác quảng cáo cung cấp dịch vụ taxi đi sân bay Nội Bài với giá rẻ.

“Tôi mua vé máy bay của hãng nào thì thông tin về hành trình của tôi chỉ hãng đó biết, song không hiểu tại sao những thông tin này lại bị lộ lọt tới các  hãng taxi. Điều này khiến tôi vô cùng khó chịu và cảm thấy bất an khi biết được rằng lịch trình của mình bỗng dưng được công khai cho những người lạ. Phải chăng ở đây đã có sự mua bán thông tin của khách hàng?” – anh Hải đặt câu hỏi.

Nhiều khách hàng đi máy bay cảm thấy lo lắng khi thông tin cá nhân bị lộ lọt

Với tâm trạng tương tự, chị Trần Thu Hà ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, cách đây không lâu, chị đặt vé máy bay khứ hồi chuyến Hà Nội – Cần Thơ. Chị Hà đặt vé trực tiếp trên mạng, không mua vé tại các đại lý. Tuy vậy, trước giờ bay khoảng nửa ngày, chị Hà vẫn nhận được tin nhắn từ các hãng taxi mời dùng dịch vụ taxi ra sân bay.

“Việc để lộ thông tin chuyến bay của khách trước khi máy bay cất cánh không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ mà còn có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động an toàn bay. Chưa nói đến việc, những đối tượng xấu lợi dụng thông tin hành trình bay của khách hàng để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật”  - chị Hà lo lắng.

Theo các chuyên gia về công nghệ thông tin, việc lộ, lọt thông tin của khách hàng mộc cách thường xuyên và với số lượng lớn có thể xuất phát nội bộ nhân viên các hãng hàng không, nhân viên phòng bán vé, phục vụ mặt đất tại sân bay hoặc lỗ hổng phần mềm kiểm soát của các hàng hàng không.

Khi danh sách khách hàng kèm theo các thông tin cá nhân bị bán cho các trung tâm môi giới taxi trên mạng, nó có thể tiếp tục bị phát tán thêm cho các doanh nghiệp bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng... Nghiêm trọng hơn, với những người đặt vé trên mạng trực tuyến và thanh toán bằng tài khoản ngân hàng qua các thẻ ATM, visa nếu thông tin bị lộ lọt còn có thể bị hack tài khoản.

Phạt tiền tới 1 tỷ đồng hoặc phạt tù tới 7 năm

Trước tình trạng lộ lọt thông tin của khách hàng, nhiều người đặt câu hỏi, thời gian qua mặc dù Cục hàng không cùng các hãng hàng không đã tăng cường giải pháp giám sát, bảo mật nhằm đảm bảo thông tin khách hàng không bị lộ ra ngoài song hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Phải chăng một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do chế tài chưa đủ mạnh? Khi khách hàng bị lộ lọt thông tin cá nhân, ai là người phải chịu trách nhiệm?

Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Hoàng Huy Được – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc tiết lộ, để lộ thông tin hành khách là vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất mức độ, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, bồi thường, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các hãng hàng không là đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải. Theo Điều 387 BLDS 2015, trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác. Bên vi phạm quy định trên mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. 

 Điều 522 cũng nêu rõ, bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ: Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định; Bồi thường thiệt hại cho bên thuê dịch vụ, nếu làm mất mát, hư hỏng tài liệu hoặc tiết lộ bí mật thông tin. Do đó, nếu bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghĩa vụ thì khách hàng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Về xử phạt hành chính, theo Khoản 2 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan bị phạt tiền từ 10-20.000.000 đồng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS 2015 với mức phạt tiền lên tới 1 tỷ đồng, hoặc bị phạt tù tới 7 năm.