Hàng chục nghìn ông chồng đánh vợ chỉ bị...phê bình, góp ý

ANTĐ - 58% phụ nữ Việt bị bạo lực gia đình (BLGĐ) và ít nhất 8.000 vụ ly hôn vì BLGĐ mỗi năm nhưng số liệu báo cáo thống kê trên cả nước năm 2013 chỉ có hơn 29.000 vụ BLGĐ, 6 tháng đầu năm 2014 cũng chỉ có hơn 16.500 vụ. Đáng chú ý, các hình thức can thiệp, xử lý vụ việc cũng nặng xuê xoa, cầu hòa. 

Hàng chục nghìn ông chồng đánh vợ chỉ bị...phê bình, góp ý ảnh 1Một nạn nhân của bạo lực gia đình phải can thiệp y tế tại Bệnh viện Thị trấn Phúc Yên (Vĩnh Phúc)

Tảng băng chìm quá lớn

Ông Phạm Quốc Nhật – chuyên viên Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) cho biết, năm 2012, thống kê cho thấy, cả nước có gần 50.000 vụ BLGĐ. Tuy nhiên, con số này năm 2013 giảm còn hơn 29.000 vụ, 6 tháng đầu năm 2014 còn 16.750 vụ. Trong khi đó, Nghiên cứu quốc gia về BLGĐ năm 2010 cho thấy, 58%  phụ nữ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình trong suốt cuộc đời. 8.000 vụ ly hôn có liên quan đến BLGĐ. Kết quả điều tra thực trạng gia đình năm 2012 do Bộ VH-TT&DL tiến hành trên 6.300 người còn chỉ ra con số lớn hơn rất nhiều, 64% phụ nữ được hỏi cho biết họ đã từng bị BLGĐ. “Có thể dễ dàng nhận thấy số vụ BLGĐ thực tế lớn hơn rất nhiều lần con số được báo cáo thống kê”- ông Nhật nhận định. 

TP Hồ Chí Minh có hơn 10 triệu dân nhưng số vụ BLGĐ được thống kê ngày càng ít. Năm 2011 có 396 vụ, năm 2012 có 237 vụ, năm 2013 có 121 vụ và 9 tháng đầu năm 2014 chỉ còn 70 vụ. Lý giải việc BLGĐ ít như vậy, bà Lê Thanh Nhã – Phó trưởng Phòng Văn hóa - Sở VH-TT&DL TP Hồ Chí Minh cho biết, rất khó phát hiện được BLGĐ sau những cánh cửa đóng kín. “Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số vụ ly hôn vì BLGĐ tại TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng. Trong 5 năm (từ 2011 đến 2014), có tổng số hơn 2.400 vụ ly hôn vì BLGĐ và năm sau lại tăng hơn năm trước. Có nhiều người bị BLGĐ nhưng tự tìm đến luật pháp để giải quyết chứ không thông qua cấp cơ sở” – bà Nhã nhận định. Còn theo bà Trần Thu Hằng – Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam), điều tra sơ bộ năm 2011, có khoảng 80-85% phụ nữ được hỏi đã từng bị BLGĐ, tuy nhiên số vụ BLGĐ có thể đưa ra “ánh sáng” cũng không nhiều. 

Các chuyên gia phòng chống BLGĐ cho biết, một số địa phương báo cáo giảm bớt số vụ BLGĐ một cách nhanh chóng chỉ để “cho đẹp” chứ không phải thực tế. 

Can thiệp “cầu hòa” 

Theo ông Phạm Quốc Nhật, đa số biện pháp can thiệp, hỗ trợ xử lý vi phạm là góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư. 6 tháng đầu năm 2014 có hơn 16.750 vụ thì hơn 70% là góp ý, phê bình; 12% giáo dục; 7,6% tạm giữ, xử phạt hành chính; 1,9% cấm tiếp xúc; 0,07% xử lý hình sự. 

Ông Đinh Minh Thông – Phó trưởng Công an thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) cho biết, từ tháng 1 đến 11-2014, trong số 76 vụ BLGĐ được can thiệp, có đến 70 vụ hòa giải; phê bình trước cộng đồng 1 vụ và xử phạt hành chính 5 vụ. “Chúng tôi giải quyết các vụ BLGĐ với tinh thần “to thành nhỏ, nhỏ thành không có” chứ không muốn ầm ĩ”. Đại diện đến từ huyện Thanh Liêm (Hà Nam) cũng chung quan điểm “tìm mọi cách giải quyết sao cho nhỏ đi, vì đều là gia đình cả, không nên hình sự hóa như một việc hành chính”.

Bà Nguyễn Thu Thúy - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên nhận định, đây là quan niệm hết sức đáng lo ngại vì có thể khiến BLGĐ bị nhìn nhận không đúng bản chất, thậm chí dễ dàng bỏ qua chỉ bằng vài lời nói suông, hòa giải xuê xoa. “Một lời nói nghiệt ngã, một cái tát nếu không được nhìn nhận đúng bản chất và can thiệp hợp lý có thể bùng lên thành BLGĐ lớn hơn, tổn thương nặng nề hơn. Ngoài ra, người bị BLGĐ không thấy được bảo vệ, được giúp đỡ sẽ không muốn tố cáo, không muốn tìm đến sự can thiệp của chính quyền” - bà Thúy cho biết. 

Các nghiên cứu cũng cho thấy, 66% người bị BLGĐ không hài lòng với việc hòa giải tại cộng đồng, chỉ có 8% người bị BLGĐ đã được cán bộ tư pháp/trợ giúp pháp lý trợ giúp.  Đáng lưu ý, hiện có nhiều hành vi BLGĐ nhưng lại bị chính quyền viện dẫn các luật khác để xử lý. “Bà Lê Thanh Nhã cho rằng: “Cùng một mức phạt như nhau nhưng nếu không xử lý đúng người đúng tội thì không thể giáo dục được người vi phạm rằng hành vi đó là sai trái, càng không thể răn đe những người khác. Thậm chí, sẽ có người cho rằng, có thể đánh vợ nếu không gây ầm ĩ, mất trật tự công cộng...”. 

Theo ông Trần Nguyên Tú, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), 6 tháng đầu năm 2014, trên cả nước, chỉ thực hiện được 85 vụ việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, trẻ em gái bị BLGĐ.