Hàng chục nghìn doanh nghiệp nợ bảo hiểm

ANTD.VN - Trong khi thành phố đang quyết tâm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) thì một số quận, huyện vẫn còn thờ ơ…

Cuối tuần qua, Đoàn khảo sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã làm việc với Sở LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội TP và Sở Y tế Hà Nội về thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật BHYT (BHYT) sửa đổi trên địa bàn thành phố. Qua đó, nhiều bất cập trong việc thực hiện chính sách này đã được chỉ rõ.

Hàng chục nghìn doanh nghiệp nợ bảo hiểm ảnh 1Còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT

Làm khó người muốn mua BHYT

Báo cáo về tình hình thực hiện Luật BHYT trên địa bàn Thủ đô, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc phụ trách BHXH TP Hà Nội cho biết, hết năm 2016, tỷ lệ bao phủ BHYT của Hà Nội đã đạt 81,9%.

Dù vậy, việc bao phủ nốt phần còn lại để tiến tới lộ trình BHYT toàn dân vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bởi 18% còn lại hầu hết thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT tự nguyện. Ngay cả ở một số nhóm được ngân sách hỗ trợ hoặc bắt buộc tham gia BHYT, vẫn còn tình trạng nợ đọng khá cao.

Cụ thể, tổng số nợ BHYT của Hà Nội hiện là 130 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước nợ đóng cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT là 3,45 tỷ đồng; đặc biệt có tới 16.590 doanh nghiệp nợ trên 126,4 tỷ đồng tiền tham gia BHYT của 212.057 lao động.

Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, dù thành phố đã đạt chỉ tiêu nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT mà BHXH Việt Nam giao, song muốn đạt tỷ lệ cao hơn nữa thì rất cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt. Trong khi đó, hiện vẫn còn một số địa phương, cơ quan chức năng thờ ơ với công tác này.

Ông Nguyễn Đức Hòa dẫn chứng, qua theo dõi 3 huyện Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, trong khi tỷ lệ tham gia BHYT của Ứng Hòa rất cao (trên 90%) thì 2 huyện còn lại tỷ lệ tham gia còn rất thấp. Điều này thể hiện nơi nào chính quyền vào cuộc mạnh mẽ thì sẽ đạt được kết quả tốt và ngược lại.

Năm 2015 và 2016, khoản chi cho công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam tăng mạnh so với năm 2014 nhưng tại Hà Nội, nhiều đại lý bán bảo hiểm vẫn chưa mặn mà với công tác này.

Ông Nguyễn Đức Hòa chia sẻ, vẫn còn không ít đại lý bán BHYT có tư tưởng “chờ dân đến” chứ không quyết liệt thực hiện chính sách mở rộng đối tượng tham gia BHYT theo chủ trương “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền. “Có phường ở quận Hoàng Mai, khi người dân đến mua BHYT còn bắt công chứng cả sổ hộ khẩu, như thế là làm khó người dân” - ông Nguyễn Đức Hòa chỉ rõ.

Bệnh viện cũng kêu khó

Một bất cập khác được đại diện cơ quan BHXH TP Hà Nội chỉ ra là việc áp dụng chính sách thông tuyến khám chữa bệnh BHYT ở tuyến huyện đã dẫn tới tình trạng người bệnh không qua tuyến xã; gây khó cho cơ quan BHXH trong việc quản lý và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đến lượt mình, chính lãnh đạo một số bệnh viện tuyến huyện của Hà Nội cũng kêu… khó.

Tổng số nợ BHYT của Hà Nội hiện là 130 tỷ đồng

Đặc biệt có tới 16.590 doanh nghiệp nợ trên 126,4 tỷ đồng tiền tham gia BHYT của 212.057 lao động

Ông Uông Đình Uyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín cho biết, người dân không khám chữa bệnh mà chủ yếu qua bệnh viện huyện làm thủ tục BHYT để vượt tuyến. “Số bệnh nhân vượt tuyến quá nhiều khiến chúng tôi vượt quỹ BHYT.

Trong khi mỗi đơn thuốc của tuyến dưới chỉ được phép chi 100.000-200.000 đồng thì ở bệnh viện tuyến trên mạnh tay chi gấp 10 lần, đương nhiên bệnh nhân thích lên tuyến trên. Nghịch lý là bệnh viện tuyến dưới đã nghèo, lại phải chi tiền BHYT cho tuyến trên” - ông Uông Đình Uyên bày tỏ.

Trước thực trạng trên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng liên quan của Hà Nội cần thay đổi phương thức tổ chức tuyên truyền phù hợp để mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Trong đó, cần chú trọng và tập trung mở rộng độ bao phủ BHXH, BHYT tại khu vực phi chính thức; tăng cường quản lý Nhà nước trong thanh tra để có biện pháp xử lý các đơn vị không thực hiện nghiêm pháp luật về BHXH, BHYT. Đặc biệt, cần phối hợp tham mưu xử lý vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài tại các doanh nghiệp theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người lao động. 

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội cần chỉ đạo các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để phục vụ người bệnh BHYT, tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của BHYT, phấn đấu Hà Nội đạt tỷ lệ trên 90% người dân tham gia BHYT trong thời gian tới...

Đề xuất tăng hạn sử dụng giấy chuyển viện

Tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BHXH và Luật BHYT thuộc lĩnh vực y tế mà Bộ Y tế đang xây dựng, Bộ Y tế đề xuất tăng thời hạn sử dụng giấy chuyển tuyến đối với người có thẻ BHYT từ 10 ngày lên 30 ngày. Riêng những trường hợp người có thẻ BHYT mắc bệnh thuộc các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp như lao, bệnh phong, HIV/AIDS, di chứng viêm não, u nhú thanh quản… thì giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng trong thời gian 12 tháng kể từ ngày cấp.