"Hai mươi năm nữa, các em đến nhà thầy chưa muộn"

ANTD.VN - Giờ thì những người sống trong con ngõ nhỏ ở đường Chiến Thắng không còn ngạc nhiên khi thấy những người khách lạ, từ những ông già râu tóc bạc phơ đến thanh niên mang dáng vẻ doanh nhân thành đạt, đứng trước nhà ông Tập gọi… “Thầy ơi”. Tiếng gọi dù xuất phát từ ai cũng đều mang vẻ khiêm nhường của một người trò nhỏ…

Ở tuổi 85, thầy Lê Ðỗ Tập vẫn  thường xuyên cập nhật thông tin qua Internet và mạng xã hội Facebook

Sau mấy chục năm đứng trên bục giảng, thầy Lê Đỗ Tập đã tích lũy được cho mình cả một “gia tài” khổng lồ - những lớp học sinh ở những ngôi trường chuyên danh giá nhất miền Bắc. Từ Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định); rồi đến Hà Nội - Amsterdam; Chuyên Ngoại ngữ; Lomonoxop (Hà Nội), học sinh lần lượt tìm thầy để thực hiện “lời hứa” 20 năm trước.

Niềm vui của “người trồng cây” 

Ở tuổi 85, thầy Lê Đỗ Tập vẫn khỏe mạnh cả về thể lực lẫn trí lực. Có được điều đó là nhờ suốt gần 60 năm qua, thầy chưa ngày nào ngừng giảng dạy. Cũng từng ấy năm thầy giữ được cái tâm thanh thản, dù vật chất không dư dả, nhưng cuộc sống tinh thần thì lúc nào cũng phong phú và đầy màu sắc. Thầy luôn vui vì được nhìn những lớp con trẻ xung quanh mình trưởng thành, lại tiếp tục giúp ích cho đời.

“Tôi không thích dùng hình ảnh người lái đò để nói về nghề giáo của mình. Người lái đò chỉ chở khách qua sông một hai lần, làm gì có tình cảm sâu sắc với nhau” - thầy Tập bắt đầu câu chuyện của mình như vậy - “Thầy cô giáo phải là người trồng cây, nhờ sớm hôm chăm chút cho cái cây non của mình mà hình thành nên tình cảm gắn bó, rồi vui mừng khi thấy nó đơm hoa, kết quả…”.

Năm 1954, hòa bình lập lại, thầy Tập  ra Hà Nội học trường Đại học Y. Được 2 năm thì cậu sinh viên trường Y chuyển hướng, quyết định theo ngành Sư phạm. Trong suy nghĩ có phần bồng bột của một chàng trai trẻ sống nặng về tình cảm, thì ngành Y “sao mà buồn thế”. Người bệnh đến với bác sĩ khi họ buồn nhất, đau nhất, còn khi khỏe mạnh, vui vẻ thì họ lại đi, thầy nghĩ vậy, nên sợ cũng buồn lây. Còn làm thầy giáo thì ngày nào cũng được tiếp xúc với học trò, lứa tuổi đẹp và tươi vui nhất.

Và đến giờ này, còn một điều duy nhất khiến thầy Tập còn nặng lòng là những chuyện không hay làm nhạt phai tình nghĩa thầy trò thời hiện đại. “Cũng phải nhìn từ hai phía, ngày xưa lương thầy một tháng được 65 đồng, nhưng bát phở có 2 hào. Lương giáo viên bây giờ tính bằng triệu đồng, nhưng không đủ sống”, thầy Tập băn khoăn. Thế nên dù thầy không muốn mình được đưa lên báo chí, song tôi vẫn muốn viết câu chuyện về thầy, với hy vọng truyền đi thông điệp về tình cảm đẹp giữa thầy trò, giữa con người với con người.   

Tốt nghiệp Sư phạm năm 1958, thầy Tập về dạy tại trường phổ thông cấp III Nam Định, thuộc thành phố Nam Định, nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và được phân công làm Tổ trưởng tổ Toán. “Đấy là chức vụ “to” nhất tôi có trong suốt cuộc đời đi dạy học của mình”, thầy Tập nói vui. 

Hồi ấy vừa kết thúc chiến tranh, nên học trò của thầy Tập nhiều người bằng tuổi hoặc lớn hơn thầy do gián đoạn việc học hành. Nhưng thời ấy, quan niệm “tôn sư trọng đạo” vẫn còn rất sâu sắc, ai cũng tâm niệm “nửa chữ cũng là thầy”, nên tình cảm thầy trò rất thiêng liêng. Hơn nữa vì đất nước khó khăn, việc học hành không hề dễ dàng với một số học sinh, nên thầy cô giáo thực sự trở thành “cha mẹ” thứ hai, chăm lo từng chút một đến “đàn con” của mình. Chính vì vậy, những kỷ niệm không dễ gì phai nhạt và theo bước mỗi học sinh của thầy Tập đến tận bây giờ.

Hàng năm, cứ gần đến dịp lễ, Tết hay Ngày Hiến chương nhà giáo, học sinh cũ lại tìm đến nhà thầy. Có những người râu tóc bạc phơ, hay những cô gái mười tám đôi mươi ngày nào giờ đã thành bà, ngồi nói cười vui vẻ trong gian nhà rộng hơn chục mét vuông của thầy, cùng ôn lại những năm gian khó. Thầy vui không phải vì những món quà vật chất, mà vui vì những cái cây mình trồng đã mang trái ngọt cho đời.

Trong suốt mấy chục năm công tác, từng nhiều lần được đề cử tặng danh hiệu này khác, nhưng thầy Tập đều từ chối. Thầy luôn nghĩ mình chưa cống hiến được gì nhiều nên không muốn được tôn vinh trong khi còn có nhiều tấm gương khác tốt hơn. Cũng nhờ suy nghĩ đó, bất cứ việc gì thầy làm cũng vì cái tâm trong sáng chứ không phải vì danh lợi.

 Thầy Lê Ðỗ Tập xúc động khi học sinh cũ ở trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Hà Nội đến thăm sau hàng chục năm xa cách

Ngọn lửa truyền qua nhiều thế hệ

Một câu chuyện cảm động được nhiều lớp học sinh ở Hà Nội của thầy Lê Đỗ Tập kể lại, đó là việc đi tìm thầy. Nghỉ hưu từ năm 1993, thầy dạy hợp đồng cho trường Hà Nội - Amsterdam, rồi Chuyên Ngoại ngữ và Lomonoxop. Thời đó công nghệ chưa hiện đại như bây giờ, nên việc liên lạc cũng khó khăn hơn. Song quan trọng nhất là khi học sinh hỏi địa chỉ nhà thầy để đến chúc mừng ngày 20-11, thầy chỉ lắc đầu: “Hai mươi năm nữa, khi các em đã thành đạt thì đến nhà thầy chơi cũng chưa muộn”.

Và vì thế, từng lớp học sinh tốt nghiệp, đi làm, giờ phương trưởng cả, nhưng hầu như không có cách nào để liên lạc vì thầy đã thôi không còn dạy ở trường nào. Và cũng vì thế, ai nấy đều mừng rơi nước mắt khi tìm thấy, biết thầy vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn dù đã bước sang tuổi 85. Thế là lập tức kết bạn Facebook với thầy, ngày nào cũng có thể gửi lời thăm hỏi, lại không sợ “lạc mất thầy” lần nữa.

Mấy năm gần đây, không còn đi xe máy được, thầy Tập chỉ dạy học ở nhà. Những người hàng xóm biết tiếng thầy, nên gửi con sang “nhờ ông kèm giúp”. Coi dạy học như niềm vui, thầy không thu tiền của một ai. “Nhiều cháu đỗ đại học, trong đó có cháu đỗ trường ĐH Bách khoa, giờ mỗi khi máy tính của ông hỏng nó chạy sang sửa nhoay nhoáy. Thế là mình giúp người, người lại giúp mình”, thầy cười hiền từ, mắt lấp lánh niềm vui.

Thỉnh thoảng thầy lại có dịp giở sổ điểm ngày xưa ra, ấy là khi hàng xóm có người sinh con sang “nhờ ông đặt giúp tên”. Những lúc đó, thầy sẽ rà xem học sinh nào có điểm số cao nhất thì gợi ý cho người ta tên đó. Mỗi lần xem sổ điểm cũ, thầy lại nhớ đến từng khuôn mặt thân quen, em này ngày xưa học giỏi nhưng nghịch ngầm, em này từng sợ môn Toán như sợ cọp song chỉ sau một học kỳ đã vươn lên thứ hạng nhất nhì, em kia phải làm thêm phụ giúp gia đình, sáng nào cũng đến lớp với đôi mắt thâm quầng mất ngủ... Những ký ức sống động như mới hôm qua ùa về.

Một học sinh mà thầy trăn trở nhất chính là Tuấn, từng đoạt giải cao nhất trong kỳ học sinh giỏi Toán miền Bắc. “Thời đó vẫn còn nặng nề chuyện lý lịch, nên cậu ấy gặp khó khăn trong sự nghiệp. Sau này Tuấn đi bộ đội, rồi bị chất độc da cam nên quyết định không lập gia đình. Bây giờ cậu ấy sống một mình, lương hưu lái xe chẳng được là bao nhưng thường xuyên qua thăm thầy, có chút quà quê cũng lặn lội mang đến”, giọng thầy chùng xuống khi kể về người học trò xuất sắc nhưng không gặp may mắn trong cuộc đời. Cũng chính vì người học trò đó, mà thầy luôn nghĩ rằng mình chưa làm tròn trách nhiệm. 

Những tình cảm ấy, người đưa đò làm sao có được. Phải là người trồng cây, thức khuya dậy sớm bắt sâu tỉa lá, che gió chắn sương, chăm chút từng chút một mới gắn bó thiết tha, mới có được niềm hạnh phúc khi thấy cái cây đó lớn lên, vững chãi giữa đời. Và từ những cái cây chắc khỏe đó, những hạt giống tốt lại được nhân lên…