Hà Nội sắp có nhiều tuyến phố được "kiểm soát an toàn thực phẩm"

ANTD.VN -Dự kiến vào cuối năm nay, một “tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP)” đáp ứng chuẩn 10 tiêu chí về ATTP sẽ chính thức được đưa vào hoạt động tại phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), sau đó nhân rộng ra trên địa bàn Hà Nội.

Hà Nội sẽ triển khai nhiều tuyến phố ăn uống "kiểm soát ATTP" đáp ứng đủ 10 tiêu chí

Thay đổi thói quen kinh doanh “mạnh ai, nấy làm”

Mô hình “Tuyến phố kiểm soát ATTP” tại phố Thượng Đình đang được UBND quận Thanh Xuân xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 12-2017. Hiện trên tuyến phố này đang tập trung 27 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố với lượng khách hàng lớn.

Khi chính thức hoạt động, tại tuyến phố điểm này, mỗi nhà hàng, cửa hàng ăn uống đều được niêm yết công khai tấm biển “nhà hàng, cửa hàng kiểm soát ATTP” và công khai danh mục nguồn gốc nguyên liệu.

Đặc biệt, tất cả các cơ sở ăn uống tại tuyến phố điểm này sẽ được lực lượng chức năng của quận và phường sở tại tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ 2 lần/tuần/cơ sở trở lên.

Theo bà Phạm Hồng Diệp, Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân, Hiện tại, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu vẫn tự phát, “mạnh ai, nấy làm”, không chú trọng nguồn gốc thực phẩm. Do vậy, để chuyển sang một mô hình mới “tuyến phố kiểm soát ATTP” là việc không hề đơn giản.

Ông Lê Văn Tuyến, Chủ tịch UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) nhấn mạnh, để có thể triển khai thành công mô hình “tuyến phố kiểm soát ATTP” tại phố Thượng Đình, địa phương đã xác định phải tiến hành một “cuộc cách mạng” để đưa các hộ kinh doanh vào nền nếp.

Cụ thể, từ việc tổ chức kiểm tra sức khỏe, tập huấn 10 tiêu chí ATTP, 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm, đến việc hướng dẫn các cơ sở khắc phục điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cung cấp thông tin địa chỉ các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch để họ lựa chọn… đều phải được triển khai chu đáo.

Được biết, theo kế hoạch của UBND quận Thanh Xuân, ngoài tuyến phố Thượng Đình, từ nay đến 2020, quận phấn đấu sẽ có 11 tuyến phố kiểm soát ATTP tại 11 phường.

Không riêng tại quận Thanh Xuân mà mô hình này cũng sẽ được nhân rộng ra các quận nội thành của Hà Nội trong thời gian tới. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, trên cơ sở thí điểm, thành phố sẽ tiếp tục quy hoạch thêm các tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở không bảo đảm ATTP, gây mất mỹ quan đô thị.

Theo ông Trần Văn Chung, để phát huy hiệu quả những mô hình tuyến phố kiểm soát ATTP, cần ý thức, trách nhiệm của cả ba bên, gồm: Cơ quan quản lý, hộ kinh doanh, người tiêu dùng. Trong đó, cơ quan quản lý phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường thanh kiểm tra, xử nghiêm vi phạm…

Mô hình cửa hàng thực phẩm an toàn có kiểm soát tại quận Thanh Xuân cũng sẽ được nhân rộng

Triển khai cửa hàng thực phẩm an toàn

Trước khi đưa vào hoạt động tuyến phố kiểm soát ATTP, từ tháng 7 vừa qua, quận Thanh Xuân cũng chính là đơn vị đầu tiên trên địa bàn Hà Nội tiên phong trong việc mở 5 cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát tại các phường: Hạ Đình, Nhân Chính, Kim Giang, Thanh Xuân Bắc, Khương Mai. Đến thời điểm này, 5 cửa hàng bán thực phẩm an toàn có kiểm soát của quận đã phục vụ được gần 34.000 lượt khách, tổng doanh thu gần 2,2 tỷ đồng…

Theo bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, mô hình cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn không dễ thành công nếu không có sự đầu tư bài bản cũng như sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Đây cũng chính là điểm mà quận đang tập trung chỉ đạo, triển khai.

Đánh giá cao những nỗ lực cũng như quyết tâm đổi mới, triển khai các mô hình hiệu quả về đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cũng lưu ý, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhưng chất lượng thực phẩm vẫn chưa tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong hơn 10 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố đã thành lập 805 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về VSATTP, kiểm tra được 95.172 lượt cơ sở, phát hiện 17.822 cơ sở vi phạm ATTP, xử phạt 6.948 cơ sở với số tiền hơn 33 tỷ đồng.

Đặc biệt, cũng trong 10 tháng đầu năm 2017, tại địa bàn thành phố vẫn để xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm làm 9 người mắc, 11 vụ ngộ độc rượu do methanol (cồn công nghiệp) làm 37 trường hợp mắc, trong đó có 10 trường hợp tử vong.