Hà Nội: Người dân ủng hộ giải pháp làm việc tại nhà, hạn chế ra đường để cắt đường lây Covid-19

ANTD.VN - Nhiều người dân, doanh nghiệp cho rằng, làm việc tại nhà qua hình thức trực tuyến (online) và hạn chế ra ngoài là cách bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội tốt nhất trước sự lây lan khó lường của dịch Covid-19.

Đường phố Hà Nội vắng vẻ, đa số hàng quán đã đóng cửa, người dân hạn chế ra ngoài

Từ đầu tuần này, Nguyễn Thu Trang (nhân viên truyền thông một công ty công nghệ) chính thức được làm việc tại nhà theo hình thức online. “Mặc dù làm việc tại nhà nhưng chúng tôi vẫn phải điểm danh, họp trực tuyến, thực hiện công việc và báo cáo đầy đủ. Công ty tôi thuê trụ sở tại Giảng Võ (Hà Nội) cùng chung tòa nhà với rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp khác với hàng trăm nhân viên và có khách ra vào thường xuyên.

Do đó, làm việc tại nhà là lựa chọn tốt, tránh phải tiếp xúc môi trường công cộng như: thang máy, nhà hàng, quán ăn quanh đó, những nơi này có nguy cơ lây dịch Covid-19 rất cao”- Thu Trang cho biết.

Theo Thu Trang, không riêng gì công ty của Trang mà các doanh nghiệp khác trong tòa nhà đều có ý thức phòng dịch bệnh, nhưng do khách ra vào thường xuyên, thêm nữa dù không muốn tụ tập đông người nhưng giờ cơm trưa, mọi người vẫn phải ra nhà hàng, quán ăn nên việc không đến nơi đông người là rất khó thực hiện. Làm việc tại nhà là phương án phòng tránh tốt.

Ủng hộ lời kêu gọi hạn chế tụ tập nơi đông người của Chính phủ và TP Hà Nội, từ hôm nay (26-3), hệ thống cửa hàng Trà Chanh TB’s đã tự giác đóng cửa, ngừng kinh doanh.

Thông báo từ cửa hàng này cho biết: “Theo lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “chống dịch như chống giặc", tiệm trà chanh TB’s xin phép tạm thời dừng hoạt động để giữ an toàn sức khỏe cho quý khách cũng như nhân viên của cửa hàng. Rất mong quý khách thông cảm! Hãy cùng TB’s chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19 nhé!”.

Nguyễn Sơn (chủ hệ thống cửa hàng TB’s) chia sẻ: “Dịp này quán khá vắng khách so với trước Tết do dịch bệnh. Tuy vậy, nhiều thời điểm trong ngày, lượng khách cũng có khoảng 20 người. Cố gắng kinh doanh thời điểm này cũng chỉ vớt vát được phần nào chi phí, nhưng rất nguy hiểm cho cả nhân viên và khách hàng. Vì vậy, tôi quyết định tạm ngừng kinh doanh, ủng hộ chủ trương chống dịch, tránh tụ tập đông người của Chính phủ, an toàn là trên hết”.

Rất quan tâm đến thông tin về dịch bệnh, đặc biệt về tình hình tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Oanh (61 tuổi- Nam Từ Liêm- Hà Nội) cho biết, gia đình bà tuân thủ nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về cách phòng tránh dịch như: ra ngoài đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn thường xuyên, hạn chế đi ra ngoài…

“Nhà tôi chỉ còn con dâu đang làm tại một ngân hàng là vẫn phải đến cơ quan mỗi ngày, còn lại mọi người đều làm việc tại nhà, hạn chế ra ngoài. Vài ba ngày tôi mới đi chợ mua đồ dùng, thực phẩm thiết yếu 1 lần, rất nhanh chóng rồi về. Tôi không hiểu sao nhiều người vẫn thờ ơ với dịch bệnh quá, vẫn còn xếp hàng khấn vái ở Phủ Tây Hồ hôm mùng 1 vừa rồi. Con trai tôi ở nhà cũng có hôm bạn gọi đi làm cốc bia nhưng tôi can ngăn, không cho đi.

Mình phải ý thức giữ gìn cho bản thân, cho gia đình, sau đó là xã hội. Có thể ta chưa có ca bệnh nào tử vong, nhưng đó là do chúng ta làm tốt công tác cách ly, khoanh vùng, tránh tụ tập đông người, chứ không thể chủ quan, “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” được”- bà Oanh nói.

Cho đến thời điểm này, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung liên tục khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, tránh tụ tập đông người (quá 10 người ngoài khu vực công sở, trường học, bệnh viện). Các hoạt động hiếu hỉ, hội họp cũng được hoãn, giãn để phòng tránh dịch bệnh.

Trước tình hình lây lan khó lường của dịch Covid-19, người dân nên thực hiện nghiêm túc khuyến cáo để được an toàn trước dịch bệnh.