Hà Nội nêu 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và giải pháp

ANTD.VN - Trong những ngày chất lượng không khí ở mức nguy hại, Sở TN-MT Hà Nội kiến nghị cho học sinh cấp mầm non và tiểu học được nghỉ học.

Chất lượng không khí ngày một xấu

Báo cáo của Sở TN-MT Hà Nội cho thấy, chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội nhiều ngày gần đây có xu hướng xấu đi so với trước. Số liệu quan trắc cho thấy, hầu như tất cả các ngày trong tuần vừa qua, chỉ số chất lượng không khí AQI các trạm ở mức kém, xấu và rất xấu, dao động từ 112 - 121; không có ngày AQI ở mức tốt (màu xanh), trung bình (màu vàng).

Từ những thông số này cho thấy, vấn đề chất lượng không khí cần có những giải pháp xử lý quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Tổng hợp kết quả quan trắc cho thấy, buổi sáng (từ 5h00-12h00) là thời điểm ô nhiễm nhất trong ngày, sau đó giảm nhẹ vào trưa chiều và tăng lên vào ban đêm. Qua theo dõi, đây là giai đoạn có mức độ ô nhiễm cao nhất tính từ thời điểm đầu năm đến nay (4 ngày liên tiếp chất lượng không khí ở mức “xấu” và “rất xấu”).

Hà Nội nêu 12 nguyên nhân góp phần khiến không khí và môi trường ô nhiễm 

Lý giải về mức độ ô nhiễm như hiện nay, đại diện Sở TN-MT Hà Nội nêu 12 nguyên nhân, bên cạnh hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào giữa đêm và sáng sớm diễn ra mạnh vào thời điểm cuối năm thì sự gia tăng của phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện cũ nát không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải;

Do một bộ phận nhân dân và các hộ kinh doanh dịch vụ đun bếp than tổ ong, đốt củi trong sinh hoạt hàng ngày, không đảm bảo an toàn về phòng cháy; do đốt rác tự phát, công trình xây dựng dồn dập vào cuối năm… là nguồn phát thải các chất ô nhiễm ra môi trường khá lớn.

Và dưới tác động của các điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với nghịch nhiệt làm cho các nguồn thải hàng ngày không phát tán lên cao được mà bị tích tụ lại lơ lửng ở lớp khí quyển sát mặt đất, khiến nồng độ chất thải rất cao, chất lượng không khí suy giảm.

Trước tình hình ô nhiễm không khí đang có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân, Sở TN-MT cho biết: Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện chất lượng môi trường.

Hiện nay, ngoài 10 trạm quan trắc không khí đang hoạt động, đến năm 2020, Hà Nội đầu tư thêm 33 trạm, xe quan trắc (trong đó có 20 trạm quan trắc cố định, 12 trạm cảm biến, 1 xe quan trắc lưu động).

Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh việc cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường (tăng cường xe quét rác, gom rác...).

Mặt khác, thành phố đã và đang kêu gọi đầu tư các dự án đốt rác phát điện; triển khai tách nước thải, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước tại các ao, hồ; trồng thêm cây xanh...

Xác định ô nhiễm không khí còn phát sinh từ nguồn sinh hoạt hằng ngày của người dân, Hà Nội đã, đang tăng cường xây dựng các chương trình hạn chế, tiến tới không đun than tổ ong, không đốt rơm rạ trên đồng ruộng...

Cho học sinh mầm non, tiểu học những ngày không khí nguy hại

Tuy vậy, Sở TN-MT cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội, giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các Ban QLDA đầu tư xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra cá hoạt động công trình thi công, phá dỡ, bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp…

Đồng thời, cần tuyên truyền cho người dân không sử dụng bếp than tổ ong và các loại nhiên liệu than đốt; không đốt rơm rạ, không thu gom đốt rác tự phát; kiểm tra chặt chẽ xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng không đảm bảo yêu cầu về che chắn…

“Trong trường hợp khẩn cấp khi ô nhiễm không khí chạm mức “nguy hại”, tức chỉ số AQI >300, Sở TN-MT Hà Nội kính đề nghị UBND TP ban hành thông báo tình hình chất lượng không khí tới Sở GD-ĐT để thông báo các trường mầm non, trường Tiểu học cho các em học sinh nghỉ học; cấm các xe tải nặng, đặc biệt xe vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng lưu hành trên địa bàn 12 quận nội thành; tạm dừng các hoạt động xây dựng, phá dỡ cải tạo  công trình trong giờ cao điểm”- đại diện Sở TN-MT Hà Nội bày tỏ.

Về lâu dài, Sở TN-MT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành như Xây dựng, GTVT, Công Thương phải chung tay xử lý vấn đề ô nhiễm không khí như kiểm soát phát sinh khí thải tại các khu công nghiệp; bảo vệ môi trường các lưu vực sông lớn như sông Hồng, sông Đà, Bắc Hưng Hải; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải với mô tô, xe máy để kiểm soát…